Phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi: Dấu hiệu giống nhau, điều trị khác nhau

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi: Dấu hiệu giống nhau, điều trị khác nhau
Đây là hai loại bệnh khá phổ biến và có các triệu chứng ban đầu khá giống nhau. Dưới đây là cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi

1. Dấu hiệu sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, không trực tiếp lây từ người sang người mà thông qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang virus gây bệnh. Bệnh có thể xảy ra quanh năm ở các nước có khí hậu nhiệt đới nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

Sau khi nhiễm bệnh từ 1 đến 2 tuần, các dấu hiệu sốt xuất huyết đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường khó để phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi hoặc các loại bệnh thông thường khác. Do đó, cần chú ý tới các dấu hiệu dưới đây để nhận diện bệnh sốt xuất huyết:

- Sốt cao đột ngột: Sau thời gian ủ bệnh, dấu hiệu sốt xuất huyết đầu tiên thường là sốt cao trên 39 độ không rõ nguyên nhân. Các cơn sốt xuất huyết thường nối tiếp nhau trong suốt 2-7 ngày và gây cảm giác ớn lạnh.

- Đau nhức: Trong thời gian sốt, cảm giác đau nhức cơ thể thường xuyên xuất hiện, kèm theo đó là đau đầu (chủ yếu ở sau gáy và 2 bên thái dương), đau nhức hai bên hốc mắt,... Ngoài ra, một số biểu hiện đau rát hoặc viêm đường hô hấp trên (ho khan, đau họng,...) cũng có thể xuất hiện trong thời gian này.

- Rối loạn tiêu hóa: Ngoài ra, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết còn có thể là các dấu hiệu sốt xuất huyết như: buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, táo bón hoặc tiêu chảy. Ở các trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể nôn ra máu hoặc đi cầu ra phân đen do xuất huyết trong.

- Xuất huyết dưới da: Đây là dấu hiệu để phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi cũng như các loại bệnh khác. Xuất huyết do virus dengue gây ra thường xuất hiện ở dưới da (trong cánh tay, đùi,...), các vùng niêm mạc và nội tạng.

2. Dấu hiệu sốt siêu vi

Sốt siêu vi dùng để chỉ các trường hợp bệnh do nhiều loại virus, siêu vi trùng gây ra. Sốt siêu vi là bệnh khá phổ biến, đặc biệt thường gặp ở trẻ em nhưng lại không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi sau 3-7 ngày.

Sốt siêu vi là bệnh không nguy hiểm, nhưng lại có một số dấu hiệu khá tương đồng với sốt xuất huyết và loại bệnh khác. Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi nếu không chính xác có thể dẫn đến sai lầm trong điều trị. Do đó, cần lưu ý các dấu hiệu sốt siêu vi dưới đây:

- Sốt cao: Khi bị sốt siêu vi, bệnh nhân thường có sốt cao đột ngột từ 39 tới 40 độ theo từng cơn. Dấu hiệu này khá tương đồng với sốt xuất huyết, gây khó khăn trong việc phân biệt hai loại bênh,

- Đau nhức cơ: Cảm giác đau mỏi xuất hiện nhiều ở các cơ trong và sau cơn sốt siêu vi. Ở trẻ nhỏ, đây chính là nguyên nhân trẻ quấy khóc liên tục khi bị sốt siêu vi.

- Viêm đường hô hấp: Đi kèm với sốt cao là các triệu chứng viêm đường hô hấp như đau họng, viêm sưng họng, chảy nước mũi, hắt hơi,... Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị sưng to, đau và có thể sờ thấy ở các hạch khu vực tại đầu, mặt, cổ. Viêm kết mạc, chảy nước mắt liên tục cũng là triệu chứng của sốt siêu vi.

- Rối loạn tiêu hóa: Khi sốt siêu vi do các vi khuẩn, virus tấn công đường ruột, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa sẽ sớm xuất hiện như: đi ngoài ra phân lỏng, có chất nhày, không có máu,...

3. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi: Dấu hiệu giống nhau, điều trị khác nhau

Có thể thấy, dấu hiệu của hai loại bệnh này là khá tương đồng, gây khó khăn trong việc phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi. Trong khi sốt siêu vi có thể tự khỏi thì sốt xuất huyết lại là bệnh cần được khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đề phòng các biến chứng nguy hiểm. 

Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, đặc biệt là trong mùa dịch, nên tới các cơ sở y tế để được khám và xác định bệnh, tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.


Tác giả: Thảo Ngân