Phân biệt polyp dạ dày lành tính và polyp có nguy cơ thành khối u dạ dày ác tính (ung thư dạ dày)

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Phân biệt polyp dạ dày lành tính và polyp có nguy cơ thành khối u dạ dày ác tính (ung thư dạ dày)
Bất cứ một sự tăng sinh tế bào bất thường nào ở dạ dày đều cần phải được chú ý, đó có thể là polyp dạ dày lành tính nhưng cũng có thể là dạng polyp nguy hiểm có nguy cơ hình thành khối u ung thư dạ dày.

Polyp dạ dày là khái niệm dùng để định nghĩa những khối u hay những cục nhô cao phát triển trên bề mặt của niêm mạc dạ dày. Trong tỷ lệ các khối u có thể phát triển trong dạ dày thì polyp chiếm từ 5 - 10%.

Polyp dạ dày có thể là một khối u mỡ hoặc cũng có thể là khối u cơ trơn gây nên một tổn thương dạ dày dạng polyp. Việc phát hiện có các polyp trong dạ dày thường là tình cờ, tuy nhiên một vài trường hợp bị rối loạn tiêu hoá hay thiếu máu thì khi khám có thể phát hiện ra tổn thương này khi làm các xét nghiệm được gợi ý.

Trong một vài ca thì polyp dạ dày có thể phát triển thành ung thư dạ dày nên việc phân biệt các dạng polyp lành tính và polyp dạ dày có nguy cơ thành u ác tính là điều rất quan trọng.

1. Các loại polyp dạ dày

1.1. Polyp tăng sản

Polyp dạ dày tăng sản là dạng polyp hiếm gặp nhất và thường chiếm tới 90% những ca phát hiện polyp dạ dày - thường được tìm thấy nhiều nhất ở bệnh viêm dạ dày mãn tính.

Polyp tăng sản có thể có 1 hoặc rất nhiều u cục nhỏ ở niêm mạc dạ dày. Theo như thống kê cho biết thì có khoảng 20 - 25% các trường hợp phát hiện trong niêm mạc dạ dày có tới vài chục.

Kích thước của polyp dạ dày tăng sản thường nhỏ hơn 1,5cm và không có cuống. Với những polyp có kích thước từ 2 - 4 cm thì mới có cuống quan sát rõ. Polyp tăng sản không phải là dạng polyp có nguy cơ thành u ác tính dạ dày.

1.2. Polyp u tuyến

Polyp dạ dày u tuyến là dạng polyp chiếm từ 5 - 10% những tổn thương dạng polyp được tìm thấy ở niêm mạc dạ dày. Tỷ lệ có polyp dạng này tăng theo độ tuổi và hay gặp ở độ tuổi từ 70 trở lên. Cứ 2 nam giới có polyp u tuyến thì có 1 nữ giới bị bệnh này (2:1).

Polyp dạ dày u tuyến thường chứa đựng những biểu mô loạn sản và phát triển nhanh.

Do vậy chúng được coi là polyp có nguy cơ phát triển thành u ác tính. Kích thước của polyp u tuyến dao động trên 2 cm và phát triển tăng dần theo thời gian, phần lớn chúng có chân đế rõ và thường gặp ở vùng hang vị.

Dạng polyp này thường chỉ có 1 khối phát triển. Bề mặt polyp u tuyến thường bị xung huyết và có các nhú nhỏ. Vào thời điểm bệnh được chẩn đoán có tới 40% các u tuyến dạ dày có thể chứa 1 ổ ung thư biểu mô và nguy cơ ung thư của niêm mạc dạ dày sát với u có thể tới 30%.

2. Biểu hiện của khối u dạ dày ác tính

Khối u dạ dày ác tính còn được gọi là ung thư dạ dày. Ở Việt Nam, bệnh ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý về dạ dày nguy hiểm và phổ biến trong hệ tiêu hoá. Bệnh đang ngày càng có tỷ lệ mắc tăng cao và trẻ hoá.

Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi cao; ngược lại phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì khó chữa trị dứt điểm được. Hơn nữa bệnh còn khó phát hiện do có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác làm người bệnh chủ quan.

Dưới đây là những biểu hiện của khối u dạ dày ác tính có thể quan sát được:

- Đau tức vùng bụng.

- Mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể.

- Đầy bụng, khó tiêu.

- Thay đổi thói quen đại tiện.

- Đi ngoài ra máu.

- Buồn nôn và nôn.

Các biểu hiện này sẽ phát triển với mức độ tăng nặng từ đó ảnh hưởng tới sức khoẻ, đặc biệt là ở giai đoạn ung thư dạ dày di căn có tế bào ung thư có thể xâm lấn sang nhiều cơ quan khác nhau như phổi, não, gan,...

Ung thư dạ dày có thể được phát hiện thông qua việc tầm soát ung thư và thăm khám chuyên sâu:

- Khám chuyên khoa ung bướu.

- Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư CEA, CA 72-4.

- Siêu âm ổ bụng.

- Chụp X-quang ngực thẳng.

- Nội soi dạ dày - thực quản.

- Sinh thiết.


Tác giả: Phạm Thanh