Thoát vị đĩa đệm và gai cột sống là hai bệnh lý về cơ xương khớp phổ biến nhất hiện nay. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, độ tuổi mắc các bệnh xương khớp đang ngày càng trẻ hóa.
Hiểu rõ về 2 căn bệnh gai cột sống và thoát vị đĩa đệm sẽ giúp bạn chủ động hơn trước các bệnh lý này.
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau các tác nhân sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng.
Gai cột sống
Gai cột sống là sự phát triển thêm để tự sửa chữa của xương ở trên thân đốt sống, đĩa sụn, hay sự lắng đọng canxi ở các dây chằng và gân do viêm khớp cột sống mạn tính, chấn thương hay thoái hóa khớp. Gai cột sống hay gặp ở nam giới và nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi.
Gai thường xuất hiện ở cột sống cổ và thắt lưng vì hai bộ phận này hoạt động và thường bị thoái hóa nhiều nhất.
Gai cột sống và thoát vị đĩa đệm có một số triệu chứng rất giống nhau, nhưng khác về mức độ đau ở người bệnh.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Tùy từng vị trí bị thoát vị sẽ xuất hiện những triệu chứng đặc trưng khác nhau:
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như cơn đau dọc vùng gáy, đau mỏi lan rộng xuống bả vai và cánh tay. Cơ lực tay giảm dần, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường như: cầm, nắm,...
– Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: triệu chứng đặc trưng của căn bệnh này là các cơn đau âm ỉ liên tục vùng thắt lưng. Cơn đau sẽ tăng khi ho, hắt hơi hoặc vận động mạnh.
Người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng sẽ có cảm giác đau dọc vùng mông kéo xuống chân, gây tê bì, hạn chế trong cử động cột sống như mất khả năng ưỡn của thắt lưng, không cúi được...
Triệu chứng của gai đốt sống
– Đau vùng cổ, thắt lưng. Cơn đau dữ dội khi vận động như: đi, đứng, chạy… giảm khi ngồi nghỉ ngơi.
– Đối với người bị gai cột sống cổ thường có dấu hiệu đau cổ, cơn đau lan xuống bả vai, cánh tay kèm đau nhức đầu. Đối với người bị gai cột sống thắt lưng có biểu hiện đau lan xuống hông, thắt lưng, chân.
– Dây thần kinh bị chèn ép do gai sẽ làm người bệnh thấy đau ở tay, chân và cơ bắp bị yếu.
– Khi phần ống tủy bị thu hẹp do gai cột sống sẽ làm rối loại tiểu tiện và mất cảm giác tiểu tiện.
Tuy rằng 2 bệnh gai cột sống và thoát vị đĩa đệm khác nhau về định nghĩa cũng như mức độ triệu chứng, chúng vẫn có 1 số điểm tương đồng như:
– Ảnh hưởng bởi quá trình thoái hóa cột sống.
– Những vị trí xuất hiện của gai cột sống và thoát vị đĩa đệm tương đối giống nhau như: vùng cổ, thắt lưng.
– Bệnh thường xuất hiện ở những người làm việc nặng nhọc thường xuyên, người làm việc sai tư thế, người bị chấn thương sau tai nạn.
– Gây ra những ảnh hưởng với sức khỏe như: gây tàn phế, tiểu tiện không tự chủ, teo cơ, mất khả năng lao động…
Theo các bác sỹ chuyên khoa xương khớp thì những người mắc gai cột sống cũng rất dễ mắc thoát vị đĩa đệm và ngược lại. Điều này là do đốt sống chỗ đĩa đệm bị thoát vị lâu ngày sẽ bị mất nước, cọ xát vào nhau gây nên hiện tượng mọc gai xương.
Gai cột sống có thể là tác nhân gián tiếp gây nên thoát vị đĩa đệm. Những người bị gai cột sống thường tình trạng cột sống đang rất yếu, khả năng đàn hồi kém và sẽ rất dễ bị thoát vị đĩa đệm.
Có rất nhiều phương pháp điều trị gai cột sống và thoát vị đĩa đệm, từ phương pháp điều trị bảo tồn (nội khoa) đến phương pháp điều trị phẫu thuật (ngoại khoa).
Phẫu thuật chỉ được áp dụng trong những trường hợp nặng, xuất biến chứng nguy hiểm.
Điều trị nội khoa theo Tây y thường có những phương pháp sau:
– Dùng thuốc giảm đau, chống viêm trong trường hợp đau cấp.
– Ngoài dùng thuốc, người bệnh có thể sử dụng vật lý trị liệu để chữa 2 bệnh lý gai cột sống và thoát vị đĩa đệm như: kéo giãn cột sống, xoa bóp, đeo đai lưng…