Trong livestream Chuyện Khó Có Bác Sĩ ngày ngày 17/2 với chủ đề "Cúm mùa nguy hiểm hơn bạn nghĩ: Phòng ngừa và điều trị đúng cách", BSCKI Đinh Quốc Anh - Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực BVĐK Hồng Ngọc đã có những chia sẻ:
Cách phân biệt cảm cúm và cảm lạnh? Bệnh nào nguy hiểm hơn?
Cảm cúm và cảm lạnh thường dễ gặp khi thời tiết giao mùa chuyển từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng. Để phân biệt rạch ròi cảm cúm và cảm lạnh không hề dễ dàng nếu bạn không chú ý.
Cảm lạnh là bệnh lý gây ra bởi nhiều loại virus trong đó phổ biến nhất là chủng Rhinovirus. Trong chủng Rhinovirus, các virus gây cảm lạnh chủ yếu gồm Enterovirus, Coronavirus.
Bệnh cảm lạnh là bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu ảnh hưởng tới mũi gây ho có đờm, sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi. Các triệu chứng thường tự hết sau khoảng 3-10 ngày. Cảm lạnh là bệnh không quá nguy hiểm, dễ gặp khi thời tiết trở mùa đặc biệt vào mùa đông, mùa thu.
Bệnh cảm cúm hay còn được gọi là cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp do virus cúm gây ra. Trong đó chủ yếu là virus cúm A, B. Bệnh cảm cúm thường gây ra các dấu hiệu sốt cao, đổ mồ hôi, viêm họng, ho khan, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, suy nhược. Bệnh cảm cúm có thể tự khỏi hoặc dùng các loại thuốc điều trị triệu chứng để giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Cảm cúm và cảm lạnh có những biểu hiện khá tương đồng. Tuy nhiên chỉ cần để ý bạn có thể tự phân biệt:
Thông thường dấu hiệu bệnh cảm lạnh thường ít khi sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Trong khi dấu hiệu bệnh cảm cúm thường là sốt thậm chí sốt cao.
Ngoài ra, sốt cũng là dấu hiệu của nhiều căn bệnh khác nhau như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi... vì thế không chỉ cảm cúm và cảm lạnh, bạn cũng nên chú ý các căn bệnh khác nhé.
Trong cảm cúm và cảm lạnh thì cảm lạnh ít gây ra cảm giác đau nhức trong khi cảm cúm lại khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức thậm chí kéo dài. Vì thế, nếu bạn mệt mỏi, đau nhức không có sức lực để làm gì thì đó là bạn bị mắc bệnh cảm cúm đó.
Các triệu chứng nhẹ như hắt hơi, nghẹt mũi thường là dấu hiệu bạn bị bệnh cảm lạnh. Thông thường cảm lạnh thường ảnh hưởng đến mũi, họng hơn. Triệu chứng này cũng có thể xảy ra ở cảm cúm nhưng không rõ rệt bằng cảm lạnh.
Nếu so sánh cảm lạnh và cảm cúm về triệu chứng thì cảm cúm sẽ có các triệu chứng dồn dập hơn so với cảm lạnh.
Để phòng bệnh cảm cúm và cảm lạnh thì cần chú ý trong việc tăng sức đề kháng của cơ thể, chú ý bổ sung chế độ dinh dưỡng đủ chất, tăng cường ăn các loại rau củ quả đặc biệt hoa quả chứa vitamin C, uống đủ nước. Ngoài ra, nên rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với nơi có nguồn bệnh, người mắc bệnh.
Thuốc điều trị bệnh cảm cúm và cảm lạnh cần theo chỉ định của bác sĩ. Phần lớn các thuốc điều trị đều dùng để điều trị triệu chứng. Với người cảm lạnh thường dùng các thuốc thông mũi, viêm họng. Bởi viêm họng và sổ mũi là các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh.
Cảm cúm và cảm lạnh đều là những căn bệnh cần chú ý chăm sóc và điều trị để tránh trường hợp biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt với trẻ nhỏ, cha mẹ nên chú ý trong việc tăng sức đề kháng, bảo vệ trẻ nhỏ khỏi những tác nhân gây bệnh.