Phân biệt bệnh ung thư xương và gai xương

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Phân biệt bệnh ung thư xương và gai xương
Ung thư xương và gai xương đều tạo ra các cơn đau do khối u hoặc các gai xương chèn ép vào dây thần kinh. Phân biệt ung thư xương và gai xương sẽ giúp bệnh nhân đối phó với bệnh tật hiệu quả hơn.

1. Phân biệt khái niệm ung thư xương và gai xương

- Ung thư xương là tình trạng các tế bào trong xương tăng sinh bất thường, mất kiểm soát, gây ra khối u ác tính. Gai xương là sự xuất hiện của các mỏm xương cứng dọc theo các cạnh của xương. 

- Ung thư xương và gai xương có thể xuất hiện ở bất cứ vùng xương nào. Nhưng vị trí phổ biến nhất của ung thư xương là xương chậu, xương đùi, xương cánh tay. Vị trí phổ biến nhất của gai xương là xương cột sống.

- Ung thư xương có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, và nguy cơ mắc bệnh ở các lứa tuổi là tương đương nhau. Trong khi đó, gai xương chỉ phổ biến ở người già, trên 60 tuổi, rất hiếm gặp ở người trẻ.

- Điều đặc biệt là nếu như ung thư xương là mối nguy cần loại trừ sớm thì gai xương có thể có ích trong một vài trường hợp. Ở 1 số người, việc sinh ra gai xương có thể giúp các khớp đang bị lão hóa ổn định hơn. Gai xương sẽ giúp phân phối lại trọng lượng để bảo vệ các vùng sụn đang dần bị phá vỡ.

2. Triệu chứng

- Ung thư xương và gai xương đều biểu hiện ra bên ngoài qua các cơn đau. Nếu ung thư xương đau âm ỉ và kéo dài, thì bệnh gai xương thường gây đau nhói.

- Nếu bệnh xuất hiện ở gần các khớp thì ung thư xương và gai xương có thể gây mất chuyển động ở các khớp đó.

- Ung thư xương và gai xương thường không gây ra triệu chứng, hoặc triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn sớm. Tiến triển của gai xương chậm hơn rất nhiều so với ung thư xương. Gai xương có thể không bị phát hiện trong nhiều năm, cho đến khi chúng ảnh hưởng đến vận động và gây đau.

3. Chẩn đoán

Những bước đầu chẩn đoán ung thư xương và gai xương rất giống nhau. Đầu tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng để xác định vị trí cơn đau, thông thường là khám xung quanh các khớp. Đôi khi bác sĩ có thể cảm nhận được khối u hoặc gai xương nổi lên. Nhưng điều này là hiếm gặp, đặc biệt là với ung thư xương và gai xương ở giai đoạn đầu, và bệnh ở những vị trí xương không dễ dàng cảm nhận.

Để chẩn đoán chính xác ung thư xương và gai xương, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm hình ảnh xương khớp, bao gồm các phương pháp: Chụp X-quang, chụp vi tính cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI).

Chỉ cần qua các xét nghiệm hình ảnh là bác sĩ có thể xác định được vị trí, kích thước của gai xương, đánh giá được chi tiết tình trạng bệnh. Nhưng để chẩn đoán chính xác ung thư xương, thì bác sĩ cần phải thực hiện thêm kỹ thuật sinh thiết xương nếu có nghi ngờ.

4. Điều trị

- Ung thư xương cần được điều trị càng sớm càng tốt. Trong khi đó gai xương không cần phải điều trị trong tất cả các trường hợp. Nếu gai xương không làm bệnh nhân đau hoặc hạn chế vận động thì có thể không cần điều trị. Nếu có can thiệp thường chỉ nhằm mục đích ngăn chặn tổn thương khớp.

- Để điều trị ung thư xương có 3 phương pháp: hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, hoặc kết hợp các phương pháp với nhau. Điều trị gai xương thường dùng thuốc chống viêm để giảm đau, hoặc phẫu thuật để loại bỏ những gai xương lớn làm ảnh hưởng đến chức năng xương khớp. Các phương pháp điều trị gai xương chủ yếu nhằm mục đích giảm đau và giảm những triệu chứng khó chịu.

Ung thư xương và gai xương đều là những bệnh lý xương khớp ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và khả năng vận động của bệnh nhân. Ung thư xương và gai xương rất khó để phát hiện ở giai đoạn sớm, do vậy mọi người cần đi khám và tầm soát định kỳ để có thể can thiệp kịp thời.


Tác giả: Mai Nhung