Phân biệt bệnh loãng xương và viêm xương khớp

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân biệt bệnh loãng xương và viêm xương khớp
Mặc dù trong thực tế, bệnh loãng xương và viêm xương khớp là hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng thường bị nhầm lẫn vì cả 2 căn bệnh này đều liên quan đến xương và gây đau nhức.

1. Phân biệt khái niệm bệnh loãng xương và viêm xương khớp

Loãng xương là một rối loạn xương do xương bị giảm số lượng và chất lượng, làm giảm sức mạnh xương. Một người bị loãng xương sẽ có nguy cơ gãy xương cao hơn do xương mỏng và xốp.

Viêm khớp là một loại bệnh thoái hóa khớp liên quan đến việc bào mỏng hoặc phá hủy sụn trơn bao phủ các đầu xương, cũng như thay đổi xương bên dưới sụn khớp. Viêm xương khớp gây đau, cứng và làm giảm chuyển động của các khớp, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động thể chất, làm giảm chất lượng cuộc sống.

2. Phân biệt triệu chứng bệnh loãng xương và viêm xương khớp

Loãng xương là căn bệnh thầm lặng vì nó tiến triển mà không có bất cứ triệu chứng nào, cho đến khi xảy ra gãy xương. Khi bị loãng xương, xương sẽ suy yếu nghiêm trọng, ngay cả các cử động đơn giản như cúi xuống nhặt một túi đồ nặng hoặc hắt hơi mạnh cũng có thể dẫn đến gãy xương. 

Gãy xương hông, cột sống và cổ tay là những vị trí gãy xương phổ biến nhất liên quan đến chứng loãng xương.

Viêm xương khớp thường gây đau. Mỗi khi làm việc quá sức hoặc bất động kéo dài thì các cơn đau khớp tăng lên. Viêm xương khớp ảnh hưởng đến mỗi khớp khác nhau, và các triệu chứng rất dễ bỏ qua. 

Viêm xương khớp thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hông, đầu gối, ngón tay, bàn chân hoặc cột sống. 

3. Phân biệt các nguy cơ gây bệnh loãng xương và viêm xương khớp

Những người có thói quen sinh hoạt kém lành mạnh, dinh dưỡng nghèo nàn thường là đối tượng có nguy cơ mắc loãng xương rất cao. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tuổi già, chấn thương xương, tiền sử té ngã và sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid. Lịch sử gia đình có tiền sử mắc bệnh loãng xương cũng là một yếu tố góp phần.

Các yếu tố góp phần gây ra bệnh viêm xương khớp thường là tiền sử gia đình có người bị viêm xương khớp, ít hoạt động thể chất, thừa chân làm tăng áp lực lên xương khớp, làm việc quá sức khiến khớp bị lạm dụng, chấn thương khớp,...

Bệnh loãng xương và viêm xương khớp là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Việc cải thiện dinh dưỡng và vận động ngay từ khi còn trẻ đều có tác dụng tốt trong việc phòng chống hai căn bệnh này.

4. Làm sao để chẩn đoán phân biệt bệnh loãng xương và viêm xương khớp

Loãng xương được chẩn đoán thông qua xét nghiệm mật độ xương, một xét nghiệm đơn giản, không đau. Đo mật độ xương thường là đo chất lượng và khối lượng xương ở cột sống và hông.

Viêm xương khớp được chẩn đoán dựa trên lịch sử y tế, khám thực thể và chụp x-quang các khớp bị ảnh hưởng.

5. Phương pháp điều trị bệnh loãng xương và viêm xương khớp có khác nhau không?

Loãng xương có thể được điều trị bằng thay đổi lối sống hoặc có thể kèm sử dụng thuốc theo toa. Những loại thuốc này giúp xương khỏe mạnh hơn và làm giảm nguy cơ gãy xương. Chú ý đến chế độ ăn uống (bổ sung đủ canxi và vitamin D) và hoạt động thể chất thường xuyên là những yêu cầu bức thiết.

Các bài tập rèn luyện sức nặng và sức mạnh có thể giúp kiểm soát cơn đau và cải thiện sức mạnh của xương và cơ bắp. Nếu hông bị loãng xương mãn tính thì có thể cần phải can thiệp phẫu thuật để thay khớp háng, đảm bảo cho bệnh nhân có thể di chuyển và vận động bình thường.

Khi bạn bị viêm xương khớp thì cần điều trị sớm bằng những bài tập thể dục, thuốc giảm đau, kiểm soát cân nặng, giảm số lượng công việc phải làm liên quan đến khớp, điều trị nóng lạnh,... Nếu bị viêm xương khớp nặng, bạn có thể cần được phẫu thuật để thay thế các khớp bị hư hỏng bằng khớp nhân tạo. Phẫu thuật thường gặp nhất là thay khớp gối và khớp háng.


Bài gốc: https://osteoporosis.ca/about-the-disease/what-is-osteoporosis/osteoporosis-and-osteoarthritis/

Tác giả: Mai Nhung