Phân biệt bệnh loãng xương và thiếu xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân biệt bệnh loãng xương và thiếu xương
Thiếu xương đa phần bị gọi chung là loãng xương. Nhưng sự thật thì bệnh loãng xương và thiếu xương là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

1. Phân biệt khái niệm bệnh loãng xương và thiếu xương

- Loãng xương là bệnh lý gây ra do sự thiếu hụt trầm trọng canxi, vitamin D và các khoáng chất khác trong xương, làm cho xương giảm khối lượng trầm trọng, làm xương bị giòn, xốp và dễ gãy hơn. Bệnh loãng xương thường gây ra các hậu quả nghiêm trọng như gãy xương, còng lưng, gù lưng, đau nhức xương, giảm chiều cao.

- Thiếu xương không được coi là bệnh lý, mà chỉ là một tình trạng biểu hiện khối lượng xương thấp hơn so với tiêu chuẩn bình thường. Tuy khối lượng thấp, nhưng mật độ khoáng chất trong xương lại đủ tiêu chuẩn. 

Một người có thể có khối lượng xương thấp suốt đời và không bao giờ bị loãng xương. Tuy nhiên, nếu một người có khối lượng xương thấp và tiếp tục mất mật độ xương theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Do vậy, thiếu xương được coi là một trong những nguy cơ dẫn đến bệnh loãng xương.

2. Làm sao để biết bạn bị bệnh loãng xương, hay chỉ đơn giản là thiếu xương?

Để phân biệt bệnh loãng xương và thiếu xương, các bác sĩ thường tiến hành đo mật độ xương. Phương pháp đo mật độ xương sẽ chỉ ra được mức canxi trong xương, nhờ đó đánh giá được xương bạn bị loãng hay chỉ là bạn có khối lượng xương thấp.

Đo mật độ xương là phương pháp đơn giản, không xâm lấn, không gây đau đớn. Thường đo mật độ xương diễn ra rất nhanh, chỉ mất vài phút. Bạn có thể tiến hành đo mật độ xương tại các bệnh viện hoặc các trung tâm dinh dưỡng.

3. Bệnh loãng xương và thiếu xương có liên quan đến nhau như thế nào?

Thiếu xương là tình trạng khối lượng xương thấp, không đạt đủ tiêu chuẩn, nên thường là nguyên nhân dẫn đến loãng xương.

- Theo thống kê thì phụ nữ có tỉ lệ loãng xương cao hơn nam giới, nguyên nhân một phần là do phụ nữ có khối lượng xương thấp hơn nam giới. Nguyên nhân khác là do phụ nữ thường bị mất mát canxi khá nhiều sau khi sinh đẻ hoặc trải qua thời kỳ mãn kinh.

- Người châu Á có bộ xương nhỏ, khối lượng xương thấp nên có nguy cơ bị loãng xương cao hơn các châu lục khác.

- Những người từ nhỏ đã thấp bé, nhẹ cân, có tiền sử gia đình bị thiếu xương thì họ có trên 50% nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

- Thiếu xương thường gặp ở người trên 50 tuổi, nếu không có biện pháp tăng cường canxi và khoáng chất kịp thời thì mật độ xương tiếp tục giảm khi độ tuổi tăng lên, gây ra tình trạng loãng xương ở tuổi già.

4. Phương pháp điều trị bệnh loãng xương và thiếu xương có khác nhau không?

Nếu kết quả xét nghiệm đo mật độ xương cho thấy bạn bị loãng xương thì các bác sĩ có thể sẽ kê một toa thuốc để điều trị loãng xương. Còn nếu kết quả bạn chỉ bị thiếu xương thì thường bạn không cần phải điều trị, chỉ cần theo dõi và thực hiện một số thói quen sinh hoạt giúp thúc đẩy xương khỏe mạnh như:

- Ăn chế độ giàu dinh dưỡng, nhiều trái cây và rau quả, chọn các thực phẩm giàu canxi và vitamin D.

- Hoạt động thể chất mỗi ngày với các môn thể thao phù hợp với sức khỏe của bạn.

- Hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu bia, thuốc lá, cà phê.

- Chú ý an toàn, tránh té ngã, tránh các hoạt động làm tổn thương xương như bê vác quá nặng, lao động cường độ cao,...

- Kiểm tra xương định kỳ tại bệnh viện hoặc các phòng khám, trung tâm dinh dưỡng uy tín.

Các thói quen sinh hoạt trên phù hợp với mọi đối tượng, cả người bị bệnh loãng xương và thiếu xương, lẫn người khỏe mạnh. Chúng sẽ giúp bạn giữ được một bộ xương khỏe mạnh và dẻo dai lâu dài.


Tác giả: Mai Nhung