Phân biệt bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phân biệt bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân
Mặc dù một bệnh là về xương, một bệnh là về tĩnh mạch, nhưng bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chânlại rất hay bị nhầm lẫn với nhau do chúng có triệu chứng khá giống nhau.

1. Phân biệt khái niệm bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân

Loãng xương là tình trạng xương bị suy giảm nghiêm trọng chất lượng và số lượng khiến xương mỏng, giòn, xốp và dễ gãy hơn.

Suy giãn tĩnh mạch chân là hiện tượng các tĩnh mạch (là các mạch máu dẫn máu từ các bộ phận của cơ thể đi về tim) ở chân phình to ra, nổi rõ trên bề mặt gần da. Thông thường, trong cơ thể có các van tĩnh mạch giúp cho máu chỉ đi 1 chiều về tim để trao đổi oxy. 

Tuy nhiên, vì một lí do nào đó khiến các van này bị rối loạn, làm dòng máu đi ngược lại, tăng áp lực tại các tĩnh mạch khiến tĩnh mạch phình to.

2. Phân biệt triệu chứng bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân

- Nếu như loãng xương là căn bệnh ở trong xương, không thể chẩn đoán bằng quan sát, thì bệnh suy giãn tĩnh mạch chân lại có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Khi các tĩnh mạch phình to, dưới da sẽ nhìn thấy các tia tĩnh mạch xanh đỏ ngoằn ngoèo nổi lên. 

- Bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, hoặc các triệu chứng rất mờ nhạt. Tuy nhiên bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân đều có những biểu hiện ban đầu khá giống nhau, nên dễ bị nhầm lẫn. Đó là đau nhức xương khớp, hay mỏi chân, chuột rút.

- Khi ở giai đoạn nặng, bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân bắt đầu có những triệu chứng đặc trưng, dễ phân biệt. Bệnh loãng xương gây đau nhức, gãy xương ở bất kỳ vùng nào, chiều cao bị suy giảm. 

Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân thì chủ yếu tập trung ở chân. Tĩnh mạch chân nổi rõ, chân phù nhẹ, cảm giác nặng và đau chân, hay bị chuột rút vào buổi tối, da chân thay đổi màu sắc, chàm da, chân khó vận động,...

3. Phân biệt nguyên nhân gây bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân

Cả 2 căn bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân đều có nguyên do bắt nguồn từ chế độ ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, nguyên lý gây bệnh có đôi chút khác nhau:

- Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng khiến cho xương thiếu chất khoáng gây loãng xương, khiến cho tĩnh mạch kém bền bỉ gây suy giãn tĩnh mạch. Bạn cần chế độ ăn giàu canxi và vitamin D để tránh loãng xương, chế độ ăn giàu chất xơ và các loại vitamin để tránh suy giãn tĩnh mạch.

- Với những người ít vận động, phải đứng hoặc ngồi lâu khiến cho tế bào hủy xương gia tăng hoạt động, làm tăng nguy cơ loãng xương. Việc đứng và ngồi lâu một chỗ, hoặc mang vác nặng cũng khiến máu dồn nhiều xuống chân, làm tăng áp lực tĩnh mạch, lâu dần làm tổn thương các van dẫn đến ứ máu và gây suy giãn tĩnh mạch.

- Bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân có thể là một trong những hệ quả của quá trình thoái hóa do tuổi tác. Càng cao tuổi càng dễ mắc bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân.

4. Phương pháp điều trị bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân

Cả hai bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân đều không có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng đã có thuốc giúp thuyên giảm bệnh. Để ngăn ngừa bệnh phát triển, cách tốt nhất là bệnh nhân cần thay đổi lối sống:

- Ăn uống đủ chất, chế độ dinh dưỡng khoa học.

- Tăng vận động. Các bài tập khuyến khích cho căn bệnh loãng xương và suy giãn tĩnh mạch chân là đi bộ, bơi lội. Nếu công việc của bạn yêu cầu ngồi lâu một chỗ, ít vận động, thì cứ sau mỗi 60 phút nên nghỉ giải lao, tập luyện tại chỗ khoảng 10 phút.

- Không làm việc quá sức, mang vác vật quá nặng, tạo áp lực lên xương và tĩnh mạch.

- Cẩn thận khi sinh hoạt và làm việc, tránh ngã và va đập, giảm thiểu tối đa tổn thương đến xương và tĩnh mạch.


Tác giả: Mai Nhung