Phác đồ áp dụng cho ung thư vòm họng giai đoạn I và giai đoạn IIa, gồm các tiêu chí:
- Tiêu chí T: T1, T2 hoặc Tx,
- Tiêu chí N: No,
- Tiêu chí M: Mo.
Dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn đầu:
+ Đau đầu
Ở dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn đầu, bệnh nhân ung thư vòm họng thường đau đầu âm ỉ, không thành cơn.
+ Ù tai
Bệnh nhân thường bị ù tai một bên, ù tai tiếng trầm như tiếng xay thóc hoặc ve kêu.
+ Ngạt mũi một bên
Lúc đầu, bệnh nhân ngạt từng lúc, kèm theo có chảy máu mũi lờ lờ như máu cá. Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các bệnh nội khoa, thần kinh…
+ Nói khó, khàn tiếng
Khàn tiếng kèm theo khó nuốt kéo dài không rõ nguyên nhân. Nếu triệu chứng này kéo dài 3 tuần trở nên mà không khỏi thì người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa để tầm soát bệnh ung thư ngay.
+ Cổ sưng, nổi hạch góc hàm
Do vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết phong phú nên khi có sự xuất hiện của tế bào ung thư thì chúng sẽ nhanh chóng lây lan khắp vùng cổ và tạo ra các hạch cổ di căn.
Trong phác đồ điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu, do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp và sâu, nên trước đây phẫu thuật không có vai trò quan trọng trong điều trị triệt để mà chỉ có vai trò trong việc lấy bệnh phẩm để chẩn đoán bệnh.
Ngày nay, với sự tiến bộ của phẫu thuật nền sọ, kết hợp với nội soi đã mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân ung thư vòm họng thể kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát. Ngoài ra, phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ giai đoạn còn khu trú.
Ngoài phương pháp phẫu thuật trong phác đồ điều trị ung thư vòm họng thì phác đồ điều trị ung thư vòm họng giai đoạn I và IIA còn có xạ trị và hoá trị, cụ thể như sau:
Áp dụng xạ trị đơn thuần từ xa đạt tổng liều 65-70 Gy, tia xạ trị dự phòng cho hệ thống hạch cổ liều từ 45-50 Gy.
- Xạ trị từ xa (External Beam Radiotherapy)
Xạ trị từ xa (EBRT) vào khối u vòm họng, nền sọ và vào vùng cảnh cao, góc hàm hai bên (nơi có nguy cơ di căn hạch cao) bằng các trường chiếu 2 bên đối xứng. Xạ trị hệ hạch cổ thấp bằng trường chiếu thẳng cổ thấp. Hiện nay, với trang thiết bị hiện đại có thể sử dụng kỹ thuật xạ trị điều biến liều, xạ trị điều biến thể tích...cho hiệu quả cao.
Phân liều xạ 2 Gy/ngày, tia xạ 5 ngày/tuần, một tuần nghỉ xạ 2 ngày, thời gian kéo dài cho tới khi đạt tổng liều 65-70 Gy. Tổng thời gian xạ trị thường từ 6,5-7 tuần.
- Xạ trị áp sát
Một số trung tâm xạ trị có thể sử dụng Radium áp tại chỗ, sau xạ trị ngoài 60 Gy sẽ tiến hành chỉ định nâng liều vào u vòm bằng xạ trị áp sát, có thể nâng liều thêm 15-20 Gy nữa.
- Quy trình chiếu tia xạ
Để bệnh nhân được xạ trị cần qua các bước sau:
- Bước 1: Chụp mô phỏng
Bệnh nhân được cố định vùng mặt cổ bằng mặt nạ nhiệt, giúp tư thế vùng đầu cổ được tái lập mỗi lần điều trị. Sau đó, Chụp CT-Scanner mô phỏng, dùng hình ảnh này để lập kế hoạch xạ trị.
- Bước 2: Lập kế hoạch xạ trị
+ Hình ảnh mô phỏng sẽ được chuyển sang hệ máy tính để lập kế hoạch điều trị, từ hình ảnh mô phỏng xác định các thể tích xạ trị: thể tích khối u thô, thể tích bia lâm sàng, thể tích lập kế hoạch xạ trị, thể tích khối u sinh học và các cơ quan cần bảo vệ…
+ Xác định số trường chiếu, góc chiếu, số lượng các trường chiếu chia nhỏ (segments), năng lượng chùm tia, số lượng các trường chiếu.
Có thể lập kế hoạch xạ trị 3D hoặc xạ trị điều biến liều:
- IMRT (Intensity Modulated Radiation Therapy) nhằm tập trung liều bức xạ cao nhất vào khối u và thấp nhất vào tổ chức lành, giảm biến chứng xạ trị.
- Bước 3: tiến hành xạ trị với máy xạ trị gia tốc.