Phác đồ điều trị trào ngược dạ dày thực quản: nguyên tắc, phương pháp và theo dõi sau điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phác đồ điều trị trào ngược dạ dày thực quản: nguyên tắc, phương pháp và theo dõi sau điều trị
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản đúng phác đồ là cơ sở để đẩy lui bệnh và ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là gì? đây là bệnh lý hình thành do sự di chuyển ngược của dịch vị dạ dày lên các phần cao hơn của ống tiêu hóa bao gồm thực quản, miệng, họng,... Vì thế khiến các tổ chức bị tổn thương do tiếp xúc với acid dịch vị dạ dày.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường được biểu hiện bằng các triệu chứng khá điển hình bao gồm ợ nóng, ợ chua, khàn giọng, ho khan, nuốt vướng, đau ngực,... Mức độ biểu hiện triệu chứng của bệnh nhân không nhất thiết phản ánh mức độ tổn thương do bệnh gây nên.

Để chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản người ta có thể dựa vào triệu chứng của bệnh, điều trị thử với các thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản hoặc thông qua các xét nghiệm (nội soi thực quản, chụp Xquang có cản quang dạ dày thực quản, đo áp lực thực quản, đo pH 24h),...

2. Phác đồ điều trị trào ngược dạ dày thực quản

2.1. Nguyên tắc điều trị

Nguyên tắc cơ bản trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản hiện nay là điều trị nhằm tăng cường trương lực cơ thắt ở thực quản, ngăn ngừa tình trạng trào ngược xảy ra. Từ đó làm giảm biểu hiện các triệu chứng trên bệnh nhân, làm liền sẹo các tổn thương, và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.

2.2. Phương pháp điều trị

Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh và sự đáp ứng điều trị của người bệnh mà bác sĩ sẽ có các chỉ định và điều chỉnh cụ thể cho từng trường hợp.

Các phương pháp được sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản hiện nay bao gồm:

- Thay đổi lối sống: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu thay đổi thói quen sinh hoạt để điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng cách giảm cân nặng, nằm cao đầu, không nằm ngay sau ăn, không ăn quá no, hạn chế sử dụng rượu bia, không mặc quần áo chật,... Thay đổi lối sống thường được áp dụng kèm với các phương pháp khác để gia tăng hiệu quả điều trị.

- Sử dụng thuốc: Các nhóm thuốc chính hay sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản là các thuốc trung hòa acid dịch vị dạ dày, thuốc kháng thụ thể Histamin H2, và thuốc ức chế bơm proton. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng thuốc là phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

- Phẫu thuật: Đối với các trường hợp bệnh quá nặng, điều trị thuốc không hiệu quả hoặc bệnh nhân không muốn sử dụng thuốc lâu dài thì bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật để điều trị trào ngược dạ dày thực quan cho bệnh nhân.

2.3. Theo dõi sau điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh nhân cần được theo dõi sau điều trị trào ngược dạ dày thực quản để đánh giá hiệu quả điều trị của phác đồ sử dụng và có sự điều chỉnh cần thiết nếu chưa đạt hiệu quả mong muốn hoặc có các tác dụng phụ điều trị xảy ra.

Thông thường người bệnh sẽ được tái khám theo dõi sau điều trị trào ngược dạ dày thực quản tại các mốc thời gian kể từ khi bắt đầu điều trị 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng,... Tuy nhiên, đối với các trường hợp bệnh ở mức độ nặng, bệnh nhân sẽ cần được theo dõi định kỳ để kiểm soát chặt chẽ tình trạng diễn tiến của bệnh.

Trên đây là giới thiệu sơ lược về phác đồ điều trị trào ngược dạ dày thực quản thường được áp dụng hiện nay trên thực tế. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi điều trị bệnh, người bệnh nên đi khám sớm ngay từ khi có các triệu chứng của bệnh xảy ra, điều trị sớm và tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ điều trị đã đưa ra.


Tác giả: QN