Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính của Bộ Y tế

Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính của Bộ Y tế
Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) năm 2018 của Bộ Y tế giúp quá trình trị liệu đạt hiệu quả cao, giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh sớm nhất.

COPD là một trong những căn bệnh về hô hấp nguy hiểm, căn bệnh này ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống của người mắc bệnh. Ngoài ra, nếu bệnh diễn tiến nặng có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, người bệnh cần tuân thủ chính xác phác đồ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính của bác sĩ đề ra.

Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính của Bộ Y tế bao gồm các bước: Chẩn đoán bệnh (bao gồm các câu hỏi tầm soát ở cộng đồng) và chẩn đoán bằng đo chức năng thông khí phổi; chụp X-quang phổi; điện tâm đồ; siêu âm tim; cắt lớp vi tính phổi; đo độ bão hòa oxy qua da (SaO2) và khí máu động mạch; đo thể tích khí cặn, dung tích toàn phổi; đo khuếch tán khí; đo thể tích khí thân.

Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính của Bộ Y tế - Ảnh 1.

Chụp X-quang ngực để xác định tổn thương của phổi - Ảnh: Nice-vn

Đo chức năng thông khí phổi là tiêu chuẩn vàng để đánh giá và xác định mức độ tắc nghẽn. Chẩn đoán được xác định khi:

-Rối loạn thông khí tắc nghẽn không phục hồi hoàn toàn: chỉ số FEV1/FVC <70% sau khi kiểm tra hồi phục phế quản.

-Kết quả kiểm tra hồi phục phế quản (Chỉ số FEV1 tăng < 12% và < 200ml sau khi kiểm tra hồi phục phế quản.

Sau đó, bác sĩ điều trị sẽ đánh giá thêm về các triệu chứng cũng như mức độ ảnh hưởng để có kế hoạch lên phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính cho từng cá nhân.

1. Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính tổng quát

Thuốc lá, khói bụi, hóa chất và không khí bị ô nhiễm là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh COPD. Do đó, nếu mắc COPD thì người bệnh cần bỏ thuốc lá và hạn chế tối đa việc tiếp xúc thường xuyên với các khí độc hại khác. Nếu môi trường làm việc có tiếp xúc với hóa chất, cần trang bị đồ bảo hộ đảm bảo hạn chế tiếp xúc tối đa.

Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thói quen hút thuốc lá, cần bỏ ngay thói quen xấu này. Hiện nay, có khá nhiều các loại thuốc giúp người bệnh COPD cai thuốc lá dễ dàng hơn; ví dụ như Bupropion giúp giảm cơn thèm thuốc lá hoặc các loại Nicotine thay thế cho nicotine có trong thuốc lá.

Chủng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tiêm ngừa cúm hàng năm sẽ giúp giảm viêm và hạn chế các đợt cấp COPD. Tiêm phế cầu 5 năm/ lần.

Ngoài ra, phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính của Bộ Y tế còn khuyến nghị bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp vệ sinh như rửa tay thường xuyên, vệ sinh mũi họng và bảo vệ sức khỏe tổng thể. Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kì để được bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh. Và đến ngay cơ sở y tế nếu phát hiện dấu hiệu COPD bùng phát.

2. Phác đồ điệu trị phổi tắc nghẽn mãn tính bằng thuốc

2.1. Thuốc dùng qua đường thở

Một số loại thuốc dưới đây thường được bác sĩ dùng trong phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính thông qua đường thở:

Thuốc hít Corticoid: Đây là loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân COPD sử dụng nhằm làm chậm quá trình suy giảm chức năng phổi. Thuốc hít này sẽ được bác sĩ kê cho bệnh nhân tự kiểm soát tình trạng bệnh tại nhà và bệnh nhân COPD cấp độ nhẹ.

Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính của Bộ Y tế - Ảnh 2.

Một số loại thuốc dạng hít thường được bác sĩ dùng trong phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính - Ảnh: Medgadget

Thuốc giãn phế quản Beta 2: Đây là thuốc thường dùng cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính có dấu hiệu khó thở do COPD bùng phát. Thuốc beta 2 thường có tác dụng rất nhanh, chỉ sau vài phút bệnh nhân đã cảm thấy triệu chứng bệnh giảm đi nhiều.

Thuốc giãn phế quản và hệ giao cảm: Loại thuốc này thường có dạng xịt và được bác sĩ kê khi bệnh nhân COPD có biểu hiện hụt hơi, thở nhanh.

Thuốc Methylxanthine: Khi bệnh nhân COPD bị khó thở, loại thuốc này sẽ có tác dụng thông đường thở giúp người bệnh hô hấp dễ dàng hơn. Hơn nữa, Methylxanthine còn giúp người bệnh hạn chế được tình trạng viêm, giúp hỗ trợ chức năng hô hấp.

2.2. Thuốc dùng qua đường uống:

Thuốc Corticoid dạng viên uống: Đây là loại thuốc được chỉ định cho người phổi tắc nghẽn mãn tính đang lên cơn cấp tính. Thuốc có tác dụng tốt, giúp giảm các triệu chứng của bệnh COPD. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên dùng thuốc Corticoid trong thời gian dài vì nó đem đến các tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc kháng sinh: Thuốc này chỉ được bác sĩ kê khi bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp. Một số loại kháng sinh thường được dùng trong phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính như: cefaclor, clarithromycin, amoxicillin, fluoroquinolone…

Thở oxy: Đây là liệu pháp hỗ trợ bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính thiếu oxy máu. Liệu pháp này có thể dùng ngắn hạn tại cơ sở y tế hoặc được bác sĩ chỉ định dùng dài hạn tại nhà đối với bệnh nhân suy hô hấp mãn, thiếu oxy máu:

- PaO2 ≤ 55mmHg hoặc SaO2 ≤ 88% trên 2 mẫu máu trong vòng 3 tuần, bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định, nghỉ ngơi, không thở oxy, đã sử dụng các biện pháp điều trị tối ưu.

- PaO2 tử 56-59 mmHg hoặc SaO2 ≤ 88% kèm các biểu hiện sau đây: biểu hiện suy tim phải, đa hồng cầu và tăng áp động mạch phổi đã được xác định.

=>> Đọc thêm bài viết: Tác dụng phụ của thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính: Dấu hiệu và cách kiểm soát.

3. Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính bằng phẫu thuật

Phẫu thuật là phương án điều trị dành cho những bệnh nhân mắc COPD ở giai đoạn nặng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị bằng thuốc khác. Tuy nhiên, để thực hiện phẫu thuật cần có chẩn đoán chính xác từ các bác sĩ cho từng trường hợp khác nhau.

Phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính của Bộ Y tế - Ảnh 3.

Phẫu thuật là phương án điều trị dành cho những bệnh nhân mắc COPD ở giai đoạn nặng - Ảnh: Webmd

Phẫu thuật cắt bóng khí: Đây là phẫu thuật phổi tiêu chuẩn trong phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính. Thực hiện cắt bóng khí sẽ hỗ trợ được phần phổi bị chèn ép nở ra, cải thiện được chức năng hô hấp của phổi.

Phẫu thuật cắt phổi: Phẫu thuật này sẽ cắt đi 20-30% phổi bị tổn thương nặng nhất. Chính nhờ việc cắt đi này sẽ giúp tăng đường kính dẫn khí ở phần phổi còn lại; giúp ích cho việc thông khí cũng như giảm các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Phẫu thuật ghép phổi: Đây là phương pháp được chỉ định dành cho người bệnh COPD nặng và tiên lượng xấu nếu không được ghép phổi.

Trên đây là phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính theo kiến thức của Bộ Y tế. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân COPD nào cũng có phác đồ điều trị giống nhau. Tùy vào chẩn đoán tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ có phương án điều trị khác nhau.

Điều bệnh nhân COPD nên làm là tuân thủ chỉ định của bác sĩ cũng như theo dõi sức khỏe của bản thân để sớm phát hiện những dấu hiệu bùng phát của bệnh. Cần đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ chẩn đoán và chăm sóc sớm nhất.


Tác giả: Tiểu Quyên