Phác đồ điều trị bệnh ung thư tuyến giáp, theo dõi nguy cơ tái phát sau điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phác đồ điều trị bệnh ung thư tuyến giáp, theo dõi nguy cơ tái phát sau điều trị
Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư có mức độ tiến triển chậm, tiên lượng sống tốt hơn so với những bệnh ung thư khác. Bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp nếu được điều trị sớm, cơ hội sống có thể lên đến 98%.

Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư có mức độ tiến triển chậm, tiên lượng sống tốt hơn so với những bệnh ung thư khác. Bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp nếu được điều trị sớm, cơ hội sống có thể lên đến 98%.

Theo Hiệp hội Quốc tế chống ung thư, ung thư giáp chiếm 0,5 - 1% trong tổng số người bệnh ung thư được điều trị, tỉ lệ 1% khi giải phẫu tử thi đồng loạt. Tỉ lệ ung thư giáp gia tăng tại các vùng bướu cổ địa phương. Theo Hiệp hội ung thư Mỹ (American Cancer Society, năm 2014) có khoảng 62.980 ca ung thư giáp mới mắc (47.790 nữ và 15.190 nam); 1.890 ca tử vong (1.060 nữ và 830 nam).

Ung thư tuyến giáp thường ít gặp ở người lớn, chủ yếu là những người trẻ. Theo thống kê, có 2/3 trường hợp đi khám bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp ở tuổi dưới 55, 25% các trường hợp là trẻ em.

Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp xếp hàng thứ 6 trong các bệnh ung thư về nội tiết.  Số liệu tại Bệnh viện K (1976 - 1985) cho thấy, có 214 trường hợp ung thư giáp trong đó phụ nữ chiếm 72%. Tại Trung tâm Ung bướu TP. HCM (1990 - 1992) ung thư giáp chiếm 1,4% trong số các trường hợp ung thư.

Do đó có thể nhận định đây là căn bệnh ung thư ít phổ biến, do kích thước khối u thường nhỏ và tiến triển chậm, nếu phát hiện, chủ yếu ở giai đoạn muộn và di căn.

Phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp

Căn cứ vào thể bệnh mà bệnh nhân đang mắc phải và tình hình sức khỏe, điều kiện kinh tế mà các bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Phác đồ điều trị ung thư tuyến giáp bao gồm

1. Các phương pháp điều trị

1.1. Điều trị ngoại khoa

Là phương pháp được chọn đầu tiên, tùy tổn thương khu trú hay lan rộng người ta có thể:

- Cắt bỏ hoàn toàn một thùy cùng với phần eo.

- Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

- Cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, bóc các bạch huyết ở một bên hay cả hai bên cổ.

1.2. Xạ trị liệu

Nếu nhu mô giáp còn khả năng cố định được iod phóng xạ thì 131I có thể phá hủy các tổ chức ung thư đã biệt hóa. Iod phóng xạ cũng có thể dùng sau khi phẫu thuật để diệt trừ các di tích ung thư còn sót. Phải ngừng dùng hormon giáp để TSH hoạt hóa lại nhu mô giáp thì mới áp dụng iod phóng xạ được.

1.3. Hóa trị liệu

Hóa trị liệu thường ít có tác dụng trong việc điều trị ung thư tuyến giáp, do vậy phương pháp này thường ít được áp dụng.

1.4. Điều trị khối u

Liệu pháp hormon thay thế

Dù phẫu thuật cắt toàn bộ hay một phần tuyến giáp, có hay không phối hợp iod phóng xạ sau phẫu thuật, sử dụng L.thyroxin cũng cần được chỉ định. Liệu pháp thyroxin nhằm hai mục đích:

- Bù sự thiếu hụt hormon giáp sau khi cắt bỏ tuyến giáp.

- Ức chế sự tiết TSH để đề phòng các tế bào ung thư còn sót khỏi bị kích thích. Liều L.thyroxin trung bình 100 đến 200 µg/ngày nhằm đạt được nồng độ TSH ở giới hạn dưới của mức bình thường (0,4µU/mL).

2. Theo dõi lâm sàng và cận lâm sàng

Sau quá trình điều trị, bệnh nhân có thể được ra viện nhưng vẫn cần theo dõi nghiêm ngặt. Bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các bài kiểm tra, xét nghiệm để đánh giá tình trạng tiến triển của khối u:

- Kiểm tra vùng tuyến giáp, các hạch bạch huyết ở cổ và trên xương đòn, cột sống, gan.

- Định lượng thyroglobulin định kỳ, nếu cao phải nghĩ tới ung thư tái phát hoặc đã có di căn.

- Khám tai mũi họng sau khi đã phẫu thuật để loại trừ liệt dây quặt ngược.

- Chụp X quang lồng ngực mỗi năm một lần.

- Chụp X quang cột sống khi nghi ngờ (có đau dai dẳng). Nếu có triệu chứng lâm sàng mà X quang không có bất thường, cần chụp xạ hình với Pyrophosphat Technetium để tìm các di căn xương.

3. Ung thư tuyến giáp tái phát

Sau điều trị, bệnh nhân vẫn có nguy cơ bị tái phát bệnh ung thư, thường ở tuyến giáp hoặc ở các hạch bạch huyết. Nếu tái phát tại chỗ sau khi phẫu thuật đơn giản cắt bỏ khối u thì xử trí như đối với một nhân giáp đơn độc.

Nếu tái phát ở thùy đối diện sau khi cắt bỏ một thùy, cần cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp còn lại, kèm bóc hết các hạch bạch huyết, hoặc chỉ cắt tuyến giáp không thôi.

Nếu tái phát định vị các hạch ở một bên hoặc hai bên cổ sau khi chỉ cắt tuyến giáp: lấy hạch làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tức thì. Kết quả xét nghiệm nếu thấy có di căn thì cần bóc bỏ một đám hoặc toàn bộ các hạch đó đi.

Tái phát ở hạch bạch huyết khác sau khi đã bóc bỏ toàn bộ hạch vùng cổ, cũng cần phẫu thuật bóc hạch, sau đó dùng iod phóng xạ với liều lượng 100 miliCurie.

4. Ung thư tuyến giáp di căn

- Nếu ung thư tuyến giáp di căn hạch: Áp dụng phương pháp cắt toàn bộ tuyến giáp đi kèm bóc hạch, sau đó dùng iod phóng xạ. Di căn ở các bộ phận khác cũng có thể sử dụng phương pháp này để ngăn ngừa khối u tiến triển.

Những di căn không cố định iod phóng xạ sẽ được xạ trị bằng phương pháp dùng Cobalt thông thường. Ung thư tủy giáp trạng được theo dõi bằng nồng độ calcitonin và kháng nguyên carcinom bào thai.


Tác giả: Lê Cường