PGS Lê Thị Thanh Xuân: “Nếu bạn thực sự yêu bản thân và yêu cộng đồng, tiêm vắc xin là không chờ đợi"

PGS Lê Thị Thanh Xuân: “Nếu bạn thực sự yêu bản thân và yêu cộng đồng, tiêm vắc xin là không chờ đợi"
Hiện nay, có nhiều người tỏ ra lo lắng, chần chừ khi có cơ hội tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia không có lý do gì phải chờ đợi khi chúng ta là đối tượng được ưu tiên thì hãy đi tiêm.

Theo PGS. TS Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêm chủng, Đại học Y Hà Nội, cho đến nay, ở Việt Nam, chúng ta đã và đang sử dụng 3 loại vắc xin: AstraZeneca, Sinopharm và Pfizer. Xét về cơ chế sinh miễn dịch của cả 3 loại này thì chúng đều giống nhau, nó "dạy" cho cơ thể nhận diện ra 1 trong 4 loại protein của virus SARS-CoV-2 là protein gai để cơ thể đáp ứng miễn dịch bằng cách sinh kháng thể chống lại, khi chúng ta bị nhiễm virus thì cơ thể không bị nhiễm bệnh.

Các loại vắc xin chỉ khác nhau về công nghệ sản xuất, ví dụ vắc xin AstraZeneca thì công nghệ sản xuất của nó là véc tơ, còn vắc xin Pfizer thì công nghệ sản xuất là mRNA (hay gọi là tái tổ hợp) và một công nghệ sản xuất nữa là của vắc xin bất hoạt như Sinopharm.

PGS Lê Thị Thanh Xuân: “Nếu bạn thực sự yêu bản thân và yêu cộng đồng, tiêm vắc xin là không chờ đợi" - Ảnh 1.

PGS. TS Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêm chủng, Đại học Y Hà Nội

Do có các loại vắc xin khác nhau như vậy nên nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu hiệu quả giữa chúng có khác biệt lớn hay không, từ đó sinh ra tâm thế lưỡng lự, chần chừ và chờ đợi để được tiêm loại vắc xin được họ cho là tốt hơn. Tuy nhiên, PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định mức độ bảo vệ của các loại vắc xin gần như nhau.

Để so sánh tỷ lệ bảo vệ của nhóm (vắc xin) này có hơn nhóm kia hay không thì chúng ta cần phải biết rằng Covid-19 chạy rất nhanh và chúng ta cũng đang phải chạy theo nó, cho nên trong quá trình thử nghiệm, nếu theo đúng các quy trình khoa học, phải ra từng giai đoạn rồi so sánh thì sự so sánh này đều là tương đối. Bởi vì mức độ bảo vệ và các con số thống kê là ở trên các nhóm người khác nhau, ở những đất nước khác nhau, tại nhiều thời điểm khác nhau. Do đó, là một nhà khoa học, tôi nghĩ rằng mức độ bảo vệ của các nhóm vắc xin là gần tương tự như nhau, không có sự khác biệt quá lớn”.

 - Ảnh 2.

PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Đọc thêm:

Những thông tin cần biết về vaccine Pfizer-BioNtech trong phòng COVID-19

Tiêm vaccine vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 – Hiểu thế nào cho đúng?

Nói thêm về điều này, PGS. Xuân cho biết: Thực ra, không phải mỗi vắc xin Covid-19 mà tất cả các loại vắc xin thì việc tiêm vắc xin có bảo vệ 100% khỏi nguy cơ nhiễm bệnh không thì câu trả lời là không. Bao giờ thông thường nó cũng có 1 tỷ lệ phần trăm người vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, dù có tiêm 1 liều hay 2 liều thì vẫn có tỷ lệ này. Tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy từng loại vắc xin. Tuy nhiên, người ta thấy rằng những người đã tiêm vắc xin nếu có bị nhiễm bệnh thì nó (việc tiêm vắc xin) có một hiệu quả rất đáng kể.

Ví dụ như tải lượng virus ở người đã tiêm vắc xin thấp hơn hoặc sẽ ra viện (khỏi bệnh) sớm hơn ít nhất là 2 ngày so với những người chưa tiêm vắc xin. Đó là hiệu quả của việc tiêm vắc xin mang lại. Không có một loại vắc xin nào bảo vệ 100% con người khỏi việc nhiễm tác nhân gây bệnh.

 - Ảnh 3.

PGS. TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Do đó, PGS. TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Lời khuyên của tôi lúc này là có gì chúng ta dùng nấy. Tất cả các vắc xin hiện có đều được sản xuất bởi các công ty lớn và rất nhiều nước trên thế giới đã tiêm, do đó, không có lý do gì phải chần chừ khi chúng ta là đối tượng được ưu tiên thì hãy đi tiêm đi”.

Nếu như bạn thực sự yêu bản thân và yêu cộng đồng, yêu nghĩa là không chờ đợi và tiêm vắc xin là không chờ đợi. Tức là mình có cơ hội được tiêm thì mình phải tiêm ngay, không có chờ đợi gì cả”, PGS. Xuân nhắn nhủ!


Tác giả: Pem