PET/CT phát hiện sớm ung thư: Có phải ai cũng nên chụp?

PET/CT phát hiện sớm ung thư: Có phải ai cũng nên chụp?
PET/CT là hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh với phương pháp ghi hình ở mức độ tế bào và mức độ phân tử, giúp chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm, phân biệt khối u lành hay ác tính, cung cấp thêm thông tin chẩn đoán khi các phương pháp chẩn đoán khác còn gây nghi ngờ.

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao, nên luôn được các bác sĩ khuyến cáo cần phát hiện sớm để được điều trị kịp thời, kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Hiện nay, PET/CT là một trong những thiết bị chẩn đoán hình ảnh sử dụng kỹ thuật y học hạt nhân hiện đại, có vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm. Tuy nhiên, với chi phí chụp quá cao những bệnh nhân nghèo vẫn chưa có khả năng tiếp cận được dịch vụ này.

Ưu điểm của phương pháp chụp PET/CT phát hiện ung thư

Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp mới mắc và khoảng 115.000 trường hợp tử vong vì ung thư. Tuy nhiên, ung thư không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa, 1/3 bệnh ung thư là có thể phòng ngừa, 1/3 có thể chữa khỏi khi được chẩn đoán sớm và 1/3 bệnh nhân ung thư còn lại có chất lượng cuộc sống tốt hơn nếu được chăm sóc tốt.

Việc phát hiện sớm tế bào ung thư giúp bác sĩ có những phương pháp điều trị tối ưu để chữa khỏi hoặc kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân đều được phát hiện khi đã bước vào giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị không cao.

PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ, người Việt vốn chủ quan và thường có những suy nghĩ tiêu cực về bệnh ung thư. Phần lớn đều cho rằng, ung thư đồng nghĩa với "án tử", nó giống như một dấu chấm hết. Tuy nhiên, cơ hội chữa trị thành công bệnh ung thư vẫn hoàn toàn có thật và chiếm tỷ lệ cao khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đủ sớm.

Trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện nay, PET/CT là hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh với phương pháp ghi hình ở mức độ tế bào và mức độ phân tử, giúp chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm, phân biệt khối u lành hay ác tính, cung cấp thêm thông tin chẩn đoán khi các phương pháp chẩn đoán khác còn gây nghi ngờ.

Chụp PET/CT đặc biệt hiệu quả trong đánh giá kết quả điều trị, sau một vài đợt điều trị hóa chất, điều trị đích hoặc tia xạ, bệnh nhân được chỉ định chụp PET/CT để kiểm tra tình trạng khối u và diễn biến trên toàn cơ thể. Căn cứ vào kết quả này, thầy thuốc có thể tiên lượng và điều chỉnh hoặc thay đổi phương pháp điều trị để đạt được kết quả tốt nhất.

Không những tránh mất thời gian hữu ích và kinh tế do điều trị thuốc hay phương pháp điều trị không hiệu quả mà còn tránh tác dụng phụ đôi khi nguy hiểm đến tính mạng do điều trị chưa đúng mang lại. Các kết quả nghiên cứu cho thấy 89-96% bệnh nhân có được các quyết định phương pháp điều trị đúng, 45-60% bệnh nhân đã được thay đổi phương pháp điều trị sau khi chụp PET/CT.

PGS.TS Trần Đăng Khoa lý giải, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tầm soát ung thư thông thường như: CT (chụp cắt lớp vi tính), MRI (cộng hưởng từ), X-quang hay siêu âm,… chỉ phát hiện và đánh giá được các tổn thương đã có thay đổi về cấu trúc, giải phẫu, mật độ của tổ chức. Do đó, các phương pháp này thường gặp khó khăn hoặc dễ bỏ sót các tổn thương có đường kính nhỏ hơn 1cm. Trong khi đó, chụp hình toàn thân bằng PET/CT có thể phát hiện các bất thường về chuyển hóa, ghi được những hình ảnh bệnh lý còn sớm, còn nhỏ khi chưa có thay đổi cấu trúc.

Kết quả chụp PET/CT phản ánh chính xác giai đoạn bệnh, giúp bác sĩ đưa ra quyết định về phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân, đồng thời giúp dự báo sớm kết quả điều trị và mức độ đáp ứng điều trị của một hay nhiều phương pháp điều trị. Từ đó, nâng cao chất lượng điều trị và chất lượng sống cho bệnh nhân.

Không phải bất kể đối tượng nào cũng nên chụp PET/CT

Tại miền Bắc, máy PET/CT đã được trang bị tại các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Quân y 108, mới đây nhất Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng đã trang bị hệ thống chẩn đoán hình ảnh tân tiến này. Những ai cần chụp, chụp khi nào và ở đâu, đó là điều mà nhiều người dân đang thắc mắc.

"Tôi cũng đã được nghe bệnh viện mới đưa vào sử dụng máy chụp PET/CT, nhưng không biết những đối tượng nào thì nên đi chụp PET/CT? Với mức giá hơn 20 triệu một lần chụp thực ra với bệnh nhân là cao quá, tuy nhiên tùy theo bệnh, có những bệnh hiểm nghèo các máy chụp khác không thể tìm được thì vẫn bắt buộc phải sử dụng PET/CT này, nếu ra được bệnh thì cũng nên làm, một máy tìm được nhiều bệnh, có cả bệnh hiểm nghèo thì mừng quá. Nhưng với những bệnh nhân nghèo không có thẻ bảo hiểm thì với số tiền lớn như vậy họ rất khó tiếp cận được dịch vụ chụp này. 

Hơn nữa, có một điều tôi nghe hơi lạ, một chiếc máy này có thể chụp, kiểm tra được hệ thống toàn bộ cơ thể thì tôi thấy hơi vô lý. Hơn nữa, những chiếc máy chụp cũ đã sử dụng từ nhiều năm về trước giờ sẽ bỏ xó hay thế nào?" - bệnh nhân Nguyễn Văn Khương (Sóc Sơn, Hà Nội) thắc mắc.

Chụp PET/CT phát hiện ung thư dao động từ 4 triệu - 24 triệu/1 lượt

Được biết, mức giá chụp PET/CT hiện nay 24 triệu đồng/lượt đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế, và hơn 4 triệu/lượt đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp ung thư đều cần phải xác định bằng PET/CT. Bệnh nhân nên kiểm tra ban đầu bằng những kỹ thuật thông thường như xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm ổ bụng, X-quang tim phổi,... Nếu có những bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định làm các kỹ thuật khác như chụp CT, MRI... Khi các phương pháp này không phát hiện được bệnh thì mới cần sử dụng PET/CT. Vì thế, khi muốn kiểm tra sức khỏe, phát hiện ung thư sớm, không phải ngẫu nhiên ai cũng cần phải sử dụng ngay kỹ thuật cao và đắt tiền này.

"Người dân ai đang có những thắc mắc về sức khỏe, kể cả chưa có dấu hiệu gì muốn tìm hiểu xem mình có bị làm sao không thì phải đến gặp bác sĩ, tùy vào khám lâm sàng của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể cho người bệnh chứ không phải ngẫu nhiên khám, chụp hàng loạt. Có PET/CT là có thêm sự lựa chọn cho bác sĩ về chẩn đoán bệnh chứ không thay thế hoàn toàn được cho nhau. Mỗi máy có một ưu điểm riêng, không hề chồng dẫm lên nhau, những hệ thống máy chụp cũ như CT, MRI,… vẫn là rất cần thiết" - Ths.Bs Nguyễn Thị Mai Lan, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội lý giải.

Ngoài ra, các bác sĩ tư vấn thêm, đối với phụ nữ trên 25 tuổi đã có nguy cơ mắc ung thư vú, tuyến giáp. Vì thế, những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, khói than, có hút thuốc, uống rượu nên đi kiểm tra sức khỏe 1 năm/lần. Phụ nữ và nam giới khi bắt đầu trên 40 tuổi thì nên đi kiểm tra sức khỏe với tần suất 6 tháng/lần. Đặc biệt, với một số người có những nguy cơ mắc bệnh cao như trong gia đình có ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư thì cần đi tuân thủ kiểm tra sức khỏe định kỳ, ngay cả khi không có biểu hiện bệnh. Bởi một số loại ung thư cũng được coi là bệnh có tính chất di truyền.


Tác giả: Minh Ngọc