Một trong những nguyên nhân khiến trẻ thiếu hụt dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi là do phụ huynh nuôi con không đúng cách, gây ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, trí tuệ và khả năng vận động của trẻ.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng thiết yếu, phù hợp với hệ tiêu hoá và khả năng hấp thụ của trẻ. Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ còn giúp tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dich ở trẻ.
Trẻ không được bú sữa mẹ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, còi xương, suy dinh dưỡng,... ngay trong giai đoạn sơ sinh. Khi lớn lên có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân và nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường,... do cơ thể không có sức đề kháng tốt.
Sử dụng sữa ngoài thay thế hoàn toàn sữa mẹ là phương pháp nuôi con không đúng cách (Ảnh: Internet)
Vì vậy, bé cần được cho ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Kể cả tới khi bé có thể ăn dặm (sau 6 tháng), việc duy trì cho bé bú mẹ tới 24 tháng tuổi luôn được khuyến khích. Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm sữa công thức, sữa bột được quảng cáo là có khả năng thay thế sữa mẹ, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.
Theo khuyến nghị của tổ chức Y tế Thế giới, việc cho trẻ ăn bổ sung ngoài sữa mẹ (ăn dặm, ăn sam) nên được thực hiện khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày tuổi). Lí do là bởi sau khi trẻ được 6 tháng tuổi, việc chỉ bú sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng cho bé, vì vậy trẻ cần được ăn bổ sung các thức ăn từ bên ngoài.
6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp cho trẻ ăn bổ sung (Ảnh: Internet)
Do đó, cho trẻ ăn bổ sung sai thời điểm là một phương pháp nuôi con không đúng cách. Trẻ ăn bổ sung quá muộn có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng còn ăn quá sớm có thể gây rối loạn tiêu hoá, kém hấp thu do hệ tiêu hoá của bé lúc này còn chưa được hoàn thiện. Việc ăn bổ sung không đúng thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ, vì vậy mẹ cần đặc biệt lưu tâm.
Ngoài ra, chế độ và phương pháp ăn bổ sung hợp lí cũng cần được cân đối cho phù hợp với nhu cầu của trẻ. Mẹ nên tham khảo nhiều phương pháp và thực cho bé ăn dặm khác nhau để đảm bảo không thiếu hụt dinh dưỡng mà vẫn ngon miệng, đẹp mắt.
Việc chăm sóc trước và sau khi trẻ bị ốm có vai trò rất quan trọng, quyết định thời gian trẻ hồi phục nhanh hay chậm. Khi bé bị rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy,... nhiều mẹ thường kiêng khem quá mức như không cho bú, không cho ăn rau, không cho ăn dầu mỡ,... gây nhiều hậu quả. Việc cung cấp bữa ăn không đủ chất có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch khiến bé khó hồi phục hơn.
Trẻ cần được chăm sóc cẩn thận trước và sau khi bị ốm (Ảnh: Internet)
Một số người khi thấy những biểu hiện lạ của trẻ nhưng chủ quan tự mua thuốc chữa tại nhà. Đây là hành động hết sức nguy hiểm, có thể khiến bệnh tình nặng hơn hoặc gây kháng thuốc, khiến việc điều trị sau này vô cùng khó khăn.
Lo sợ con bị thiếu hụt dinh dưỡng là tâm lí dễ hiểu của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên nếu cho trẻ ăn quá nhiều chất dinh dưỡng so với cần thiết, cố "nhồi nhét" để trẻ ăn càng nhiều càng tốt có thể gây ra rối loạn tiêu hoá, thừa cân, béo phì ở trẻ. Một số người cho rằng chỉ cần ăn cháo với nước hầm xương là đủ chất, tuy nhiên đây là sai lầm nghiêm trọng. Trong nước hầm xương gần như không chứa đạm, lâu ngày lại có thể khiến bé chán ăn.
Cần duy trì chế độ ăn uống hợp lí tránh thiếu hụt dinh dưỡng hoặc thừa dinh dưỡng (Ảnh: Internet)
Vì vậy, việc cân đối giữa lượng thức ăn nạp vào và năng lượng tiêu hao của trẻ là đặc biệt quan trọng.
Công việc trong xã hội hiện đại khiến các bậc phụ huynh không còn nhiều thời gian để chăm sóc con. Việc làm này có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lí của trẻ sau này.
Hãy cùng con lớn lên khoẻ mạnh (Ảnh: Internet)
2 năm đầu đời là thời gian bộ não và thể chất của trẻ phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, nếu trẻ không được chăm sóc cẩn thận có thể gây suy dinh dưỡng, rất khó để hồi phục sau này. Đồng thời, não trẻ cũng không có điều kiện tốt nhất để phát triển, dẫn đến tình trạng học yếu, kém tập trung, thiếu kỹ năng,.. sau này
Do đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho bé, từ bỏ các thói quen nuôi con không đúng cách để đảm bảo sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ được diễn ra tốt nhất.
Theo ThS.BS. NGUYỄN VĂN TIẾN