Hỏi: Chào bác sĩ, tôi năm nay 65 tuổi, sức khỏe bình thường, ăn uống và thể dục điều độ. Dạo gần đây tôi thường đi tiểu có màu đỏ. Xin hỏi nước tiểu đỏ có đáng lo ngại? Đó là dấu hiệu của bệnh gì?
Lê Thanh Phong (Quảng Bình)
Bác sĩ giải đáp:
Tính chất của nước tiểu thay đổi hằng ngày, hằng giờ tùy theo hoạt động của cơ thể, tùy theo thời tiết, ăn uống và tình trạng sức khỏe. Quan sát màu nước và độ trong của nước tiểu thì có thể nhận biết được cơ thể đang khỏe mạnh hay không. Bình thường nước tiểu có màu vàng nhạt, có thể trở nên vàng sậm nếu uống ít nước.
Sau đây là một số bất thường trong nước tiểu có thể gặp: màu vàng như nghệ, màu trắng đục như sữa hay nước vo gạo, hoặc màu đỏ... Trong một số trường hợp, nước tiểu có màu đỏ nhạt là do ăn những thực phẩm có màu đỏ như củ dền, các loại quả họ dâu, cây đại hoàng, phẩm màu trong kẹo; tác dụng phụ của một số thuốc kháng sinh, chất pha loãng máu và thuốc nhuận tràng. Ngoài ra. , việc luyện tập thể thao tích cực cũng có thể khiến các tế bào hồng cầu "chạy" sang nước tiểu.
Tình trạng sức khỏe của con người được biểu hiện qua màu sắc của nước tiểu. Ảnh: kenh14
>>> Có thể bạn quan tâm: Chỉ số Specific Gravity trong nước tiểu là gì?
Nếu tiểu ra máu đỏ kéo dài trên 24 giờ mà hoàn toàn không liên quan đến các nguyên nhân trên thì có nghĩa đó là dấu hiệu của căn bệnh nào đó. Thường thì nước tiểu có màu đỏ đậm có thể do các chứng bệnh sau:
Viêm đường tiết niệu: Những bệnh lý đường tiết niệu như sỏi thận, viêm đường tiết niệu, viêm tiền liệt tuyến, ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến… có thể gây hiện tượng nước tiểu màu đỏ, tiểu buốt, tiểu rắt,…
Bệnh thận: Đi tiểu ra máu là dấu hiệu bệnh thận. Suy giảm chức năng thận bắt nguồn từ các bệnh như suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận cấp tính hoặc mãn tính, viêm ống thận cấp, bệnh thận nhiễm mỡ và hội chứng thận hư.
Khối u và ung thư: Sự hình thành khối u và phát triển tế bào ung thư như u tuyến thượng thận, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt,… đều có thể là "thủ phạm" của dòng nước tiểu đỏ đục, đỏ vàng. Đặc biệt ở nam giới, tiểu máu gặp trong ung thư tiền liệt tuyến.
Lời khuyên, bác nên sớm đi khám, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, chụp hệ tiết niệu để chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị rõ ràng, không nên tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc.
Cách tốt nhất cho một cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày là bác nên uống nước đầy đủ mỗi ngày, luyện tập thể dục thường xuyên và có chế độ thực phẩm lành mạnh nhiều rau xanh, hoa quả tươi.
BS. Vũ Hồng Ngọc
Theo suckhoedoisong