Nước bọt có mùi hôi là vấn đề răng miệng thường gặp trên thực tế. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn làm mất tự tin và ngại giao tiếp. Do đó, đâu là nguyên nhân gây nước bọt có mùi hôi, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này ra sao,... đều là những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm.
Các bệnh lý răng miệng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng nước bọt có mùi hôi, chẳng hạn có thể kể đến như:
- Vệ sinh răng miệng kém khiến các mảnh vụn thức ăn bị mắc kẹt trong các kẽ răng. Đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, phát triển và làm cho nước bọt có mùi hôi khó chịu.
- Các mảnh thức ăn có thể bị đọng lại ở các lỗ sâu trên bề mặt răng. Và với cơ chế tương tự như trong vệ sinh răng miệng kém, vi khuẩn trong khoang miệng cũng sẽ sinh sôi nhiều hơn và dẫn đến nước bọt có mùi hôi.
- Những tình trạng viêm nhiễm như viêm lợi, viêm tủy, viêm nha chu,... đều có thể là nguyên nhân khiến nước bọt có mùi hôi. Nhất là khi các bệnh lý này chủ yếu lại gây nên bởi các vi khuẩn kỵ khí nên mùi hôi do chúng tạo nên lại càng trở nên khó chịu hơn.
- Các dụng cụ như răng giả, hàm giả được sử dụng phổ biến cho những người bị mất răng. Tuy nhiên, khi những dụng cụ này không được vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng thì sẽ dễ tích tụ vi khuẩn và gây nên mùi hôi khó chịu khi sử dụng.
Đọc thêm:
- Điểm danh các bệnh về răng miệng phổ biến và cách phòng ngừa
- Nên súc miệng nước muối trước hay sau khi đánh răng?
Ngoài những nguyên nhân do bệnh lý răng miệng gây nên, nước bọt có mùi hôi còn có thể gây nên bởi một số nguyên nhân khác như:
- Những loại thực phẩm có mùi như tỏi, sầu riêng,... là món ăn ưa thích của nhiều người. Tuy nhiên việc các mảnh vụn của những thực phẩm này bị đọng lại ở khoang miệng sau khi ăn có thể là nguyên nhân trực tiếp khiến nước bọt có mùi hôi.
- Triệu chứng ợ hơi, ợ chua trong các bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,... cũng là nguyên nhân dẫn đến nước bọt có mùi hôi. Dịch vị dạ dày di chuyển ngược lên trên khoang miệng sau mỗi lần ợ chua, ợ hơi sẽ hòa lẫn với nước bọt và làm nước bọt có mùi hôi.
- Các bệnh lý hô hấp như viêm xoang, viêm amidal, viêm họng mãn,... làm tăng tình trạng tiết dịch viêm đi xuống khoang miệng. Những dịch này thường có chứa nhiều vi khuẩn, các tế bào chết nên gây ra mùi hôi rất khó chịu.
- Thuốc lá và bia rượu ngoài gây nên các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thì còn có thể khiến người sử dụng gặp phải tình trạng nước bọt có mùi hôi.
Cũng giống với bất kỳ vấn đề bệnh lý nào khác, điều trị nước bọt có mùi hôi cũng tập trung vào hai vấn đề chính là khử mùi hôi và điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Các biện khử mùi hôi nước bọt có thể được sử dụng để đem lại hiệu quả nhất thời, tuy nhiên thường không có tác dụng giải quyết tận gốc vấn đề, nhất là trong các trường hợp do nước bọt có mùi hôi do nguyên nhân bệnh lý.
- Người bị nước bọt có mùi hôi nên vệ sinh răng miệng đúng cách bằng kem đánh răng 2 lần mỗi ngày, sử dụng nước súc miệng,... Tuy nhiên, không nên lạm dụng đánh răng bởi có thể khiến các tổ chức quanh răng bị tổn thương nhiều hơn, lớp men răng bị mài mòn gây ê buốt răng.
- Súc miệng với nước chanh hoặc nước muối cũng là cách để khắc phục tình trạng nước bọt có mùi hôi tương đối hiệu quả. Nước chanh và nước muối đều là các dung dịch có tính kháng khuẩn, nên khi sử dụng để súc miệng sẽ giúp giảm đáng kể cảm giác nước bọt có mùi hôi.
- Nhai kẹo cao su có hiệu quả làm tăng tiết nước bọt, loại bỏ các vụn thức ăn thừa bám ở kẽ răng,... Vì vậy đây là cách cải thiện tình trạng nước bọt có mùi hôi được nhiều bệnh nhân sử dụng. Hơn thế nữa, trong thành phần của kẹo cao su thường có chứa các loại tinh dầu bạc hà hoặc thành phần tạo mùi thơm, nên cũng đem lại hơi thở dễ chịu hơn cho người sử dụng.
Chỉ khi các nguyên nhân gây nước bọt có mùi hôi được giải quyết thì tình trạng này mới có thể được điều trị tận gốc. Tùy thuộc vào nguyên nhân được xác định là gì mà sẽ có những cách giải quyết khác nhau, chẳng hạn như:
- Trám lại các lỗ sâu trên bề mặt răng, tránh hiện tượng tích tụ mảnh vụn thức ăn ở các lỗ sâu,... Từ đó loại bỏ nguyên nhân gây mùi hôi cho nước bọt.
- Cao răng là nguyên nhân phổ biến gây nước bọt có mùi hôi. Do đó người bệnh nên thực hiện lấy, loại bỏ cao răng mỗi 6 tháng một lần.
- Với những bệnh nhân bị viêm nha chu, bệnh lý hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản,... thì người bệnh cần được điều trị chuyên khoa bằng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng tiết dịch vị theo từng bệnh lý cụ thể.
Cách tốt nhất để không bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước bọt có mùi hôi chính là thực hiện dự phòng sớm để tình trạng này không xảy ra. Một số biện pháp dự phòng nước bọt có mùi hôi bao gồm:
- Vệ sinh răng miệng đầy đủ mỗi ngày bằng kem đánh răng, súc miệng,... vào thời điểm sau khi thức dậy, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có mùi như tỏi, sầu riêng,... Nếu sử dụng các loại thực phẩm này thì cần chú ý vệ sinh răng miệng đầy đủ sau khi ăn.
- Thực hiện thăm khám định kỳ, phát hiện sớm các bệnh lý có khả năng gây nước bọt có mùi hôi như trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang, viêm nha chu,... để có hướng xử lý sớm.
Có thể thấy rằng, nước bọt có mùi hôi dù ít gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng lại gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống. Vì thế người bệnh cần thường xuyên chú ý kiểm tra, phát hiện sớm tình trạng này, từ đó đưa ra cách điều trị kịp thời.