Theo WebMD, tay chân miệng (HFMD) là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em gây ra các vết loét bên trong hoặc xung quanh miệng; kèm theo phát ban hoặc mụn nước trên bàn tay, bàn chân, cẳng chân hoặc mông của trẻ. Các vết loét miệng họng có thể gây đau đớn cho người bệnh, nhưng nó không nghiêm trọng. Thế nhưng nhiều người vẫn thắc mắc nốt tay chân miệng nổi bóng nước có nguy hiểm không?
Các loại virus thường gây ra bệnh tay chân miệng được đặt tên là coxsackievirus a16 và enterovirus 71. Ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi có khả năng mắc tay chân miệng cao nhất. Đặc trưng của các loại virus gây tay chân miệng có ái lực với da và niêm mạc nên thường gây nên các nốt nổi bóng nước.
Dấu hiệu khởi phát sớm nhất của bệnh tay chân miệng thường là gây sốt nhẹ, trẻ đột nhiên bỏ ăn và mệt mỏi. Sau đó tầm 1-2 ngày, phát ban trên da cũng sẽ xuất hiện; ban đầu sẽ là những nốt hồng ban đơn thuần, có đường kính khoảng 2 mm, sau đó trở thành các nốt nổi bóng nước.
Các nốt bóng nước ở khoang miệng thường có dạng như vết loét, đường kính tầm 4-8 mm; thường xuất hiện ở vòm miệng, trên lưỡi và nướu. Các sang thương ở khoang miệng này có thể khiến trẻ bị đau nhiều khi nuốt thức ăn hoặc uống. Nhiều phụ huynh vẫn nhầm lẫn dấu hiệu loét miệng này với các bệnh viêm miệng thông thường.
Nốt tay chân miệng nổi bóng nước chủ yếu xuất hiện ngoài da ở các vị trí đặc trưng nhưng lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân, mông; đôi khi các nốt bóng nước này còn kéo dài ra cả cánh tay và đầu gối. Ở trẻ nhũ nhi, các nốt bóng nước thường xuất hiện nhiều ở mông, nơi mặc tã lót thường xuyên.
Ban đầu, các nốt tay chân miệng nổi bóng nước xuất hiện như một vết sẹo bé rồi phồng rộp dần lên theo hình bầu dục. Bên trong bóng nước chứa đầy chất dịch và rất dễ vỡ nếu bị chà sát. Thông thường, các nốt bóng nước sẽ tồn tại khoảng 1 tuần rồi biến mất mà không để lại di chứng gì. Do đó đáp án cho câu hỏi nốt tay chân miệng nổi bóng nước có nguy hiểm không là các nốt ngày không có gì đáng lo.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, các nốt nổi bóng nước không phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng nặng thêm nên không có gì đáng lo. Các nốt này cũng hiếm khi bị biến chứng hay bội nhiễm.
Nguyên tắc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng là không chọc vỡ các nốt bóng nước trên da của người bệnh. Ở trẻ nhỏ, nên cắt móng tay và vệ sinh tay sạch sẽ; tránh tình trạng trẻ gãi vỡ các nốt bóng nước gây nhiễm trùng da.
Cha mẹ có thể quan sát, khi bị bội nhiễm, dịch ở các nốt nổi bóng nước sẽ chuyển màu từ trong sang đục. Và khi bị bội nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ dùng kháng sinh để điều trị. Nếu được điều trị đúng cách, nốt tay chân miệng nổi bóng nước bội nhiễm cũng sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại sẹo.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nốt tay chân miệng nổi bóng nước là dấu hiệu vô cùng phổ biến và không có gì đáng lo ngại, các nốt này chỉ tồn tại trong khoảng 7 ngày. Cha mẹ chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ, cho trẻ tắm nước ấm mỗi ngày là được.
Không nhất thiết phải bôi thuốc gì lên các nốt nổi bóng nước vì hầu như không có tác dụng. Sau 1 tuần, các nốt mụn sẽ khô và đóng mày rồi tróc ra mà không để lại sẹo.
(Bài viết có tham khảo ý kiến Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 TP.HCM)