Progesteron là một loại hormone sinh dục nữ được sản xuất chủ yếu từ buồng trứng của nữ giới vào hàng tháng lúc trứng rụng. Hormone progesteron cùng với estrogen là 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Trong quá trình ấy, progesteron có nhiệm vụ là kích thích niêm mạc tử cung của phụ nữ dày lên mỗi kỳ rụng trứng để chuẩn bị cho tử cung làm tổ, đón nhận trứng đã được thụ tinh. Nếu như quá trình thụ tinh không xảy ra thì lượng hormone progesteron sẽ sụt giảm và làm bong tróc các lớp niêm mạc tử cung, từ đó xuất hiện kinh nguyệt.
Nếu như trứng đã được thụ tinh và vào làm tổ ở tử cung thì trong suốt quá trình này, lượng progesteron sẽ tăng cao đều đặn để lớp niêm mạc tử cung luôn được duy trì dày dặn trong quá trình mang thai. Một hoạt động không thể không kể đến chính là progesteron còn có tác dụng kích thích sự phát triển của núm vú trong quá trình mang thai và cho con bú.
Đối với nam giới, progesteron có nhiệm vụ hỗ trợ sự hình thành và phát triển của tinh trùng. Tuy nhiên, ở nam giới nồng độ progesteron trong cơ thể là rất nhỏ.
Nồng độ progesteron ảnh hưởng tới quá trình thụ thai, mang bầu và sinh con ở nữ (Ảnh: Internet)
Đọc thêm:
- Có nên nhịn ăn trước khi đi xét nghiệm nội tiết tố nữ không?
- Các triệu chứng rối loạn nội tiết tốt điển hình
Progesteron rất quan trọng với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Nếu lượng progesteron thấp, niêm mạc tử cung mỏng sẽ rất khó khăn cho quá trình thụ thai. Trường hợp xấu, quá trình làm tổ của trứng còn không thể xảy ra được.
Nếu như mang thai được bình thường mà lượng progesteron thấp cũng gặp rắc rối trong quá trình thai nhi phát triển. Lúc này, lượng progesteron không đủ khiến niêm mạc tử cung không phát triển, không gian chứa em bé sẽ rất chật hẹp và gây ra một số tình trạng nguy hiểm như: chảy máu âm đạo, cơ thể bị tăng áp bất thường, chửa ngoài tử cung, hoặc sảy thai, lưu thai…
Với phụ nữ không mang thai mà nồng độ progesteron thấp có thể bị chảy máu tử cung, mất kinh hoặc chu kỳ kinh nguyệt không đều, khó thụ thai, hiếm muộn.
Cùng với đó, nếu như nồng độ progesteron quá thấp sẽ dẫn tới mất cân bằng nội tiết tố, lượng estrogen tăng cao gây nên các triệu chứng như:
- Tăng cân nhẹ
- Suy giảm chức năng ham muốn tình dục
- Tâm lý không ổn định, stress, trầm cảm
- Kinh nguyệt không đều, xuất hiện các dấu hiệu tiền mãn kinh
- Ngực bị căng tức, xơ nang vú
- Có nguy cơ ung thư tử cung, nội mạc tử cung, u xơ tử cung, mắc các bệnh về tuyến giáp.
Nồng độ progesteron quá thấp sẽ dẫn tới tâm lý không ổn định, stress, trầm cảm (Ảnh: Internet)
Nếu như cơ thể gặp phải một số dấu hiệu bất thường liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt hay một số dấu hiệu mãn kinh thì bạn nên đi khám để xét nghiệm nồng độ progesteron trong cơ thể. Đây chỉ là một xét nghiệm nhỏ, đơn giản, thực hiện rất nhanh chóng nên chị em không cần phải lo lắng gì.
Xét nghiệm nồng độ progesteron còn giúp giải thích được lý do tại sao khó thụ thai hay quá trình mang thai gặp vấn đề gì về sức khỏe hay không, định lượng được nồng độ các hormone trong cơ thể và đưa ra phương hướng xử lý kịp thời.
Lượng progesteron trong cơ thể thấp hơn bình thường nếu không ảnh hưởng gì tới sức khỏe có thể sẽ không cần điều trị. Nhưng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mà lượng progesteron thấp sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình thụ thai và mang thai, sinh nở. Do đó, lúc này nữ giới hãy thăm khám để bác sĩ tư vấn và chữa trị kịp thời.
Khi khám và xét nghiệm nồng độ progesteron bạn sẽ được bác sĩ đưa ra hướng xử lý thích hợp, có thể là tăng cường hỗ trợ sự tăng trưởng của hormone progesteron trong cơ thể.
Phụ nữ mang thai mà nồng độ progesteron thấp thì việc sử dụng liệu pháp hormone sẽ giúp bạn tăng lượng progesteron trong cơ thể, kích thích niêm mạc phát triển giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Tình trạng kinh nguyệt bất thường, chảy máu âm đạo cũng có thể điều trị bằng phương pháp bổ sung hormone.
Đối với trường hợp xuất hiện các dấu hiệu mãn kinh sớm cần kết hợp bổ sung estrogen và progesteron.
Ngoài ra khi gặp các triệu chứng nóng trong người, bốc hỏa, đổ mồ hôi vào ban đêm, âm đạo khô hạn… thì cũng có thể sử dụng liệu pháp hormone để điều trị.
Tuy nhiên, với trường hợp đột quỵ, huyết khối, trường hợp chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú thì liệu pháp hormone không có tác dụng gì trong việc hỗ trợ điều trị.