Mề đay có thể nổi ở một hoặc nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Nổi mề đay cấp tính và nổi mề đay mãn tính có một số đặc trưng khác nhau về nốt nổi mề đay cũng như các đặc điểm khác.
Nổi mề đay cấp tính không quá hiếm gặp và thường có xu hướng vô hại. Mề đay cấp tính có thể kéo dài tới 6 tuần, mặc dù mỗi đợt nổi có thể hết trong vài ngày hoặc có thể chỉ xảy ra một lần.
Trong nhiều trường hợp nguyên nhân gây mề đay cấp tính vẫn chưa được biết rõ. Mặc dù bất kì loại nhiễm trùng nào cũng có thể khiến một người bị nổi mẩn hoặc phát ban nhưng nguyên nhân phổ biến nhất của mề đay cấp tính là do nhiễm virus. Phản ứng với các chất gây dị ứng như thực phẩm, thuốc, lông thú cưng, nọc độc côn trùng và tiếp xúc với thực vật như cỏ phấn hoa,.. cũng có thể dẫn tới mề đay cấp tính.
Khi một người tiếp xúc với chất gây dị ứng, cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế phản ứng miễn dịch khiến kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE) được giải phóng vào máu, gây ra các triệu chứng dị ứng ảnh hưởng đến da và các bộ phận khác của cơ thể. Nhưng cũng có những phản ứng miễn dịch không liên quan đến IgE cũng có thể gây nổi mề đay cấp tính. Chúng bao gồm một số bệnh nhiễm trùng và bệnh tật.
Đọc thêm:
- Tại sao da thường bị nổi mẩn ngứa khi gặp gió? 10 biện pháp giúp giảm triệu chứng nhanh chóng
- Phát ban da do clo khi đi bơi và những điều cần biết
Nguyên nhân qua kháng thể trung gian IgE | Nguyên nhân không qua kháng thể trung gian IgE |
---|---|
+ Chất gây dị ứng trong không khí chẳng hạn như phấn hoa + Chất gây dị ứng từ thực phẩm như đậu phộng + Tiếp xúc với chất gây dị ứng như mủ cao su + Dị ứng thuốc + Côn trùng cắn, nọc độc côn trùng + Nhiễm kí sinh trùng | + Nhiễm khuẩn + Nhiễm nấm + Nhiễm virus + Ung thư hạch (một loại ung thư máu) + Các bệnh tự miễn dịch như lupus ban đỏ |
Mề đay cấp tính thường được chẩn đoán bằng cách xem xét tiền sử bệnh của một người, lịch sử sử dụng thuốc hiện tại, nhiễm trùng xảy ra gần đây, sự thay đổi có liên quan tới lối sống - môi trường hoặc tiền sử gia đình từng bị nổi mề đay hay chưa. Thời gian, vị trí nổi mề đay và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng được hỏi đến. Các xét nghiệm kiểm tra dị ứng có thể được chỉ định để xác định chính xác các chất gây dị ứng mà cơ thể bạn mẫn cảm khi tiếp xúc là gì.
Tuy nhiên, một số nguyên nhân có thể không được tìm thấy ngay cả khi bạn thực hiện các đánh giá này.
Mề đay cấp tính có thể nổi lan rộng khắp cơ thể hoặc khu trú tại một khu vực nhất định. Mề đay toàn thân thường thấy hơn nếu bạn nuốt các chất gây dị ứng như thức ăn hoặc thuốc uống còn mề đay cục bộ thường gặp ở người tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
Nốt mề đay có thể trông "xốp" do chất lỏng tích tụ nhanh chóng dưới bề mặt da do phản ứng dị ứng qua trung gian IgE liên quan đến một chất hóa học gọi là histamine làm cho các mạch máu dưới da giãn ra (mở rộng) và giải phóng chất lỏng vào các mô xung quanh.
Mề đay cấp tính thường được điều trị bằng thuốc kháng histamine H1 thế hệ thứ hai với mục đích giảm sưng và ngứa. Các lựa chọn thuốc không kê đơn bao gồm:
- Allegra (fexofenadine)
- Claritin (loratadin)
- Xyzal (levocetirizine)
- Zyrtec (cetirizine)
Thuốc kháng histamine H1 thế hệ thứ nhất, có xu hướng gây buồn ngủ, có thể được kê đơn nếu các triệu chứng nghiêm trọng và cản trở giấc ngủ của bạn, chẳng hạn như Benadryl (diphenhydramine).
Lưu ý, không phải tất cả các trường hợp nổi mề đay cấp tính đều vô hại. Những trường hợp bị nổi mề đay cấp tính xảy ra đột ngột và nghiêm trọng có liên quan tới sốc phản vệ và đe dọa tới tính mạng nếu không được chăm sóc y tế kịp thời cùng các biến chứng khác như sốc, hôn mê, suy tim hoặc suy hô hấp.
Hãy nhanh chóng di chuyển người bị mề đay tới cơ sở y tế để cấp cứu khẩn cấp nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:
- Nổi mề đay hoặc phát ban đột ngột và lan rộng
- Thở hụt hơi
- Thở khò khè
- Nhịp tim không đều
- Tiêu chảy đột ngột và nghiêm trọng
- Thở nông, thở gấp
- Buồn nôn và nôn mửa
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Sưng mặt, sưng lưỡi hoặc sưng cổ họng
- Có cảm giác choáng váng như sắp sụp đổ.
Mề đay mãn tính được định nghĩa là tình trạng nổi mẩn phát ban kéo dài trên 6 tuần và/hoặc tái phát thường xuyên trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Hoặc có thể hiểu mề đay mãn tính xảy ra ít nhất hai lần mỗi tuần trong hơn 6 tuần.
Mặc dù có một số trường hợp mề đay mãn tính có thể lan rộng toàn thân (đặc biệt là mề đay do cholinergic), thì mề đay mãn tính thường có xu hướng khu trú.
Mề đay mãn tính nổi thành các nốt lốm đốm có cạnh gồ lên (đường viền) rõ ràng và ít "xốp" hơn so với các nốt mề đay cấp tính.
Nguyên nhân gây mề đay mãn tính chưa được hiểu rõ ràng và nhiều người cho rằng mề đay mãn tính có liên quan tới phản ứng tự miễn dịch. Hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các chất kích thích vô hại và phát động lại một cuộc tấn công chống lại các tế bào và mô của chính nó - hay thường gọi là lớp hạ bì (tầng giữa của da). Tuy vậy thì thật không may phần lớn mề đay mãn tính là vô căn, có nghĩa là không có nguyên nhân chính xác và chỉ một tỷ lệ nhỏ mề đay mãn tính là do dị ứng.
Mề đay mãn tính phổ biến ở nữ giới hơn nam giới và xu hướng thường thấy ở một người bị mề đay mãn tính là họ cũng mắc các bệnh dị ứng hoặc có liên quan tới dị ứng như hen suyễn, bệnh chàm và viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô).
Có nhiều loại mề đay mãn tính khác nhau và được gọi tên dựa theo đặc trưng của nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh, chẳng hạn:
- Mề đay do cholinergic là dạng phát ban ngoài da xuất hiện khi có sự tác động và kích thích vật lý, nhất mồ hôi và nhiệt. Cholinergic là thuật ngữ chỉ các bộ phận trong cơ thể bị ảnh hưởng trước chất trung gian dẫn truyền thần kinh là acetylcholin
- Mề đay do lạnh
- Mề đay do áp lực (chẳng hạn như thắt lưng hay áo ngực quá chặt, đứng quá lâu,...)
- Mề đay do nước
- Mề đay ánh sáng
- Vibratory urticaria (tạm dịch mề đay do rung động) là một loại bệnh dị ứng da khi tiếp xúc với rung động hoặc dao động. Người mắc bệnh này thường phản ứng bằng cách xuất hiện nổi mẩn, ngứa, hoặc đau rát trên da khi tiếp xúc với các tác động rung động nhất định, như là việc cầm nắm chặt, chạm vào vật có độ rung cao, hoặc thậm chí từ những tác động như việc đi bộ, hoặc là hoạt động hàng ngày như lái xe.
Điều trị mề đay mãn tính thường bắt đầu bằng thuốc kháng histamine OTC như Benadryl và Pepcid (famotidine). Những trường hợp nặng có thể cần dùng corticosteroid đường uống như prednisone hoặc thuốc tiêm theo đơn mạnh hơn như Xolair (omalizumab). Ngoài ra, hãy yêu cầu bác sĩ kiểm tra các bệnh lý tiềm ẩn như lupus ban đỏ để điều trị nếu có.
Nhìn chung, dù là mề đay cấp tính hay mề đay mãn tính thì đều gây ngứa, nổi mẩn và sưng tấy ở khu vực tập trung nhiều đầu dây thần kinh. Mặc dù hầu hết các trường hợp mề đay đều có thể tự thuyên giảm theo thời gian nhưng để giảm sự khó chịu do mề đay gây ra, người bệnh nên tránh tắm nước nóng, mặc quần áo rộng rãi, sử dụng kem dưỡng da/gạc làm mát để giảm ngứa, tránh gãi hay chà xát mạnh và sử dụng thuốc kháng histamine theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, hãy thăm khám bác sĩ nếu tình trạng mề đay của bạn không cải thiện sau 2 ngày, các nốt mề đay có xu hướng lan rộng hơn và trở nên ngứa ngáy nghiêm trọng hơn kèm theo sốt cao, cảm thấy không khỏe, sưng tấy dạng phù mạch và các sinh hoạt hàng ngày bị giãn đoạn.
Nguồn dịch:
1. Pictures of Hives to Help Identify a Rash
2. Acute Hives versus Chronic Hives
3. What causes hives and how to identify it