Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt là tay chân miệng thể nặng ở trẻ em

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt là tay chân miệng thể nặng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng có thể để lại những biến chứng nguy hiểm với sức khoẻ của trẻ em. Vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng là vô cùng cần thiết.

Trong thời gian hơn một thập kỷ trở lại đây, bệnh truyền nhiễm cấp tính tay chân miệng đang trở nên nổi bật và ngày càng nhiều số ca mắc bệnh. Đặc biệt là vào thời điểm giao mùa trong năm như tháng 2 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11.

Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh và để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc đúng cách. Nên việc tìm hiểu rõ nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng là vô cùng cần thiết để kịp thời điều trị bệnh cho người mắc.

Tay chân miệng là hội chứng bệnh truyền nhiễm ở người rất dễ nhầm lẫn với bệnh lở mồm long móng chỉ có ở động vật. Bệnh gây ra bởi virus đường ruột thuộc họ Picornaviridae, thường gặp nhất là Coxsackie A virus và Enterovirrus 71 (EV-71).

Virus có thể lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với phân của người mắc bệnh. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con và có khả năng lây truyền ngay trong tuần đầu mắc bệnh, thường bùng phát thành dịch. Vì vậy, bệnh phổ biến ở trẻ tuổi nhỏ và tuổi đi nhà trẻ.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra (Ảnh: Internet)

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra (Ảnh: Internet)

Cơ chế của bệnh tay chân miệng đã được chứng minh khá rõ ràng. Sau khi xâm nhập, virus gây bệnh sẽ nhân lên ở hầu họng và ruột non. Vài ngày tiếp theo, virus nhân lên ở các tổ chức lympho như mảng Peyer ở ruột, hạch lympho. Sau đó, virus đi vào máu khiến nhiễm virus máu tiên phát và lan tràn virus vào hệ võng nội mô như gan, lách, tủy xương, hạch lympho ở xa.

Đáp ứng miễn dịch của cơ thể có thể ngăn chặn virus dẫn đến nhiễm trùng không triệu chứng. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch không đủ mạnh, cơ thể sẽ biểu hiện triệu chứng gây tổn thương cơ quan bằng cách phá hủy tổ chức tại chỗ hoặc qua đáp ứng viêm của cơ thể.

1. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng

Một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng là độ tuổi. Tuổi càng nhỏ thì khả năng mắc bệnh càng cao. Trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi có tính cảm nhiễm cao đối với bệnh. Theo thống kê của các nghiên cứu khoa học cho thấy, 25% trẻ mắc bệnh là trẻ dưới 1 tuổi và trẻ trai thường có nguy cơ mắc cao hơn so với trẻ gái.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em dưới 10 tuổi. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh kém, các khu dân cư đông đúc với kinh tế thấp cũng góp phần khiến bệnh chân tay miệng dễ xuất hiện.

=>> Đọc thêm bài viết: Đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng có thể bạn chưa biết

Trẻ em sống tại các trung tâm chăm sóc trẻ cũng đặc biệt dễ lây nhiễm bệnh hơn do nhiễm trùng lây lan qua sự tiếp xúc giữa người với người. Việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều người ở nhiều môi trường khác nhau là nguy cơ chính dẫn đến mắc bệnh.

Trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất (Ảnh: Internet)

Trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bú sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng đáng kể. Hơn thế nữa, trẻ em thường phát triển miễn dịch đối với bệnh tay chân miệng khi chúng lớn hơn. Điều này là do các kháng thể được tạo ra sau khi phơi nhiễm với virus gây bệnh. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể chủ quan bởi thanh thiếu niên và người lớn vẫn có thể mắc bệnh.

Ðáng lo ngại hơn là thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại một số địa phương của nước ta do điều kiện thời tiết thuận lợi và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Đây chính là những yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh tay chân miệng tại cộng đồng.

2. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng thể nặng

Trong vòng mười năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng ngày càng nhiều. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh có thể kể đến là sốt, tổn thương niêm mạc miệng và da dưới dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông.

Nổi ban phỏng nước ở da và niêm mạc miệng là những dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Nổi ban phỏng nước ở da và niêm mạc miệng là những dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Hầu hết các trường hợp bệnh đều diễn biến nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp bệnh ở thể nặng gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, bệnh tay chân miệng hiện nay vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, việc xác định các yếu tố nguy cơ của bệnh tay chân miệng thể nặng nhằm theo dõi và có hướng điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.

Ngoài tác nhân gây bệnh là do virus EV71 thường gây ra biến chứng khi mắc bệnh tay chân miệng thì tình trạng dinh dưỡng của trẻ cũng là yếu tố nguy cơ chính khiến trẻ mắc bệnh nặng hơn. Năm 2012, báo cáo của tổ chức y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã cho thấy suy sinh dưỡng là nguyên nhân của 54 ca tử vong trong dịch tay chân miệng bùng phát ở Campuchia,

Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng nặng nhiều gấp 1,7 lần so với trẻ không suy dinh dưỡng nhẹ cân. Hơn thế nữa, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi có nguy cơ mắc tay chân miệng nặng nhiều gấp 1,8 lần so với trẻ không suy dinh dưỡng thấp còi.

Từ những yếu tố trên, nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu đặc trưng hoặc nghi ngờ trẻ mắc bệnh chân tay miệng, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác, đặc biệt là trong thời điểm dịch tay chân miệng đang bùng phát như hiện nay.


Tác giả: Anh Dũng