Những xét nghiệm cần thiết để phát hiện bệnh gout

Tham vấn chuyên môn:
Những xét nghiệm cần thiết để phát hiện bệnh gout
Bệnh gout hiện nay không còn xa lạ đối với nhiều người. Việc phát hiện bệnh gout chủ yếu dựa vào các triệu chứng và các xét nghiệm. Vậy những xét nghiệm cần thiết để phát hiện bệnh gout là gì?

Bệnh gout được hình thành do sự tích tụ quá nhiều acid uric trong cơ thể gây ra. Axit uric được sản sinh từ sự phân hủy của các chất được gọi là nhân purin. Nhân purin có trong tất cả các mô cơ thể. Các chất này cũng có nhiều trong thịt bò, nội tạng động vật, hải sản...

Những biểu hiện của bệnh gout khác nhau ở từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn đầu của gout:

- Người bệnh thường có biểu hiện đau đến mức không chịu nổi vào ban đêm, kéo dài vài tiếng ở các khớp chân, khớp tay.

- Sau những cơn đau , người bị bệnh gout sẽ bong tróc da hay ngứa, đau ở xung quanh khớp. Hầu hết phần da quanh khớp này thường bị đỏ tím như nhiễm trùng.

- Người bệnh có triệu chứng sốt, lạnh run và khó khăn trong vận động cơ thể.

- Nhiều hạt tophi nổi trên các khớp hoặc xung quanh khớp hay ở vành tai.

Giai đoạn muộn của gout:

- Cơn đau thường xuyên diễn ra hơn, kéo dài và xảy ra ở nhiều khớp.

- Viêm ở nhiều khớp tay chân. Có thể xuất hiện các khối u xuất hiện ở ngón tay, ngón chân, cổ tay, cổ chân, bàn chân, mắt cá chân...

- Sưng túi dịch đệm ở khủy tay, đầu gối....

Phát hiện gout ngoài dựa vào triệu chứng thì xét nghiệm chính là cách để bác sĩ kết luận bạn có bị gout hay không. Vậy những xét nghiệm để phát hiện bệnh gout là gì?

1. Xét nghiệm acid uric (AU) máu để phát hiện bệnh gout

Xét nghiệm acid uric máu là quan trọng nhất đối với người bệnh nghi ngờ mắc bệnh gout. Bạn sẽ được kiểm tra nồng độ acid uric trong máu. 

Trường hợp là nam giới, chỉ số AU trên 7.0mg/l còn nữ giới là trên 6.0mg/l thì khả năng mắc bệnh gout là khá cao.

Đối với từng người, bác sĩ dựa vào chỉ số AU chính xác để đưa ra những chẩn đoán khác nhau và hướng dẫn cách trị bệnh gout thích hợp. Nếu trường hợp đi xét nghiệm AU lần đầu tiên ở mức bình thường thì cũng cần phải chú ý. Bởi theo thống kê khoảng 40% người bệnh bị đau gout cấp tính có chỉ số AU bình thường trong lần xét nghiệm đầu tiên. 

Bạn nên tiến hành xét nghiệm AU trong vài ngày liên tiếp, nếu chỉ số này không thay đổi thì bạn cũng cần có những biện pháp phòng tránh và điều trị trước. Bởi chính bạn cũng thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ bị bệnh gout.

2. Xét nghiệm AU niệu 24 giờ

Nhiều người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh gout thì sẽ được bác sĩ chỉ định làm thêm xét nghiệm này để theo dõi tình trạng bài tiết acid uric đường tiểu. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất.

3. Phát hiện gout khi xét nghiệm dịch khớp

Bệnh gout liên quan trực tiếp tới xương khớp, vì vậy xét nghiệm dịch khớp là điều tất yếu cần làm. Xét nghiệm dịch khớp sẽ giúp phát hiện các khớp đã bị viêm chưa hoặc khớp có chứa quá nhiều tế bào bạch cầu. 

Nếu tìm thấy trong khớp các tinh thể muối urat thì có thể xác định được chính xác bệnh gout.

4. Xét nghiệm chức năng thận để biết mình bị gout hay không?

Người bị bệnh gout thường có biến chứng về thận. Việc kiểm tra những tổn thương ở thận sẽ giúp đánh giá được thời gian mắc bệnh sớm hay muộn, mức độ bệnh đang ở giai đoạn nào?

Những chỉ số khi xét nghiệm như ure, creatinin, protein niệu, tế bào niệu, siêu âm thận là thông tin quan trọng để theo dõi diễn biến của bệnh và từ đó có hướng điều trị cụ thể.

5. Một số xét nghiệm khác kèm theo 

Một số xét nghiệm khác bên cạnh để phát hiện bệnh gout là: 

- Xét nghiệm lượng bạch cầu tăng hay giảm.

- Chụp X- Quang khớp.

- Chọc hút dịch khớp.

- Chụp CT.


Tác giả: LPA