Những vấn đề cần lưu ý trước, trong và sau hoá trị ung thư lưỡi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Những vấn đề cần lưu ý trước, trong và sau hoá trị ung thư lưỡi
Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị ung thư lưỡi bằng phương pháp hoá trị. Để hoá trị đạt kết quả tốt nhất, người bệnh cần phải lưu ý những vấn đề trước, trong và sau hoá trị ung thư lưỡi.

Nhiều bệnh nhân có cảm giác lo lắng khi được chỉ định điều trị ung thư lưỡi bằng phương pháp hóa trị. Dưới đây là những vấn đề cần lưu ý trước, trong và sau quá trình hóa trị ung thư lưỡi.

1. Lưu ý trước khi hóa trị ung thư lưỡi

Trước khi bắt đầu hóa trị ung thư lưỡi, bệnh nhân sẽ phải tiến hành một số xét nghiệm mà bác sĩ yêu cầu. Đây là bước cần thiết nhằm kiểm tra xem bệnh nhân có đủ sức khỏe để làm hóa trị hay không. Xét nghiệm trước hóa trị ung thư lưỡi bao gồm kiểm tra chức năng của tim, gan và xét nghiệm máu. Đồng thời, kết quả xét nghiệm cũng giúp bác sĩ quyết định loại hóa trị sẽ được sử dụng trong điều trị.

Bác sĩ cũng có thể khuyên bệnh nhân nên đến gặp nha sĩ trước khi bắt đầu hóa trị ung thư lưỡi. Nguyên nhân là hóa trị có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tự chữa lành của cơ thể. Do đó, bất kỳ nhiễm trùng nào ở nướu hoặc răng của bệnh nhân đều có khả năng lây lan khắp cơ thể. Ngoài ra, nha sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh cách chăm sóc sức khỏe răng miệng trước, trong và sau khi hóa trị.

Chế độ ăn uống trước hóa trị ung thư lưỡi đóng vai trò quan trọng đối với kết quả điều trị. Bệnh nhân nên chú ý bổ sung đủ nước và các thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau xanh, ngũ cốc, trái cây. Lưu ý là các món ăn chỉ nên được chế biến thanh đạm và không quá nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng thêm sữa và các chế phẩm từ sữa để tăng cường sức đề kháng và khả năng hấp thu.

Trước khi tiến hành điều trị, bệnh nhân nên tìm kiếm người chăm sóc. Người chăm sóc sẽ có trách nhiệm hỗ trợ và đưa đón bệnh nhân sau khi hoàn thành hóa trị ung thư lưỡi. Trong một số trường hợp, tác dụng của thuốc sẽ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Do đó, việc tự chăm sóc hay lái xe là hết sức khó khăn và nguy hiểm. Người chăm sóc cho bệnh nhân ung thư lưỡi có thể là người nhà hoặc các y tá chuyên khoa.

2. Trong quá trình hóa trị ung thư lưỡi

Trong quá trình hóa trị ung thư lưỡi, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

- Tuân thủ đầy đủ các chỉ dẫn và yêu cầu của bác sĩ điều trị.

- Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc y tá khi cơ thể có các biểu hiện bất thường.

- Người bệnh nên mặc quần áo thoải mái khi hóa trị, tốt nhất là đồng phục của bệnh viện. Đồng phục của bệnh viện sẽ đảm bảo được tính vô trùng do được vệ sinh và khử trùng cẩn thận. Đồng thời, chúng còn được thiết kế thuận tiện đối với trường hợp người bệnh phải truyền thuốc qua đường tĩnh mạch.

- Trong quá trình hóa trị, người bệnh vẫn có thể ăn các bữa nhẹ. Khẩu phần ăn nên được chia nhỏ và các bữa ăn nên cách nhau khoảng vài giờ.

- Tránh bỏ bữa và ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo hoặc quá cay.

- Người bệnh có thể sử dụng các loại nước ép có hàm lượng axit thấp như táo, nho, mật hoa quả. Tuy nhiên, trước khi sử dụng người bệnh cần hỏi qua ý kiến của các bác sĩ điều trị.

- Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng và lo âu trong suốt thời gian thực hiện hóa trị ung thư lưỡi.

3. Sau khi hóa trị ung thư lưỡi

Việc chăm sóc tốt sau hóa trị giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục và tránh được các biến chứng. Do đó, bệnh nhân ung thư lưỡi sau hóa trị cần tuân thủ những vấn đề sau:

- Đánh răng bằng bàn chải mềm và sử dụng nước súc miệng không chứa cồn.

- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Hạn chế đến những nơi đông người. Tránh tiếp xúc với những người mắc các căn bệnh về nhiễm trùng như: sốt, sởi, cúm, thủy đậu…

- Tránh để cơ thể trầy xước, đặc biệt là các mụn, nhọt. Khi trầy xước, bệnh nhân cần rửa sạch vết thương ngay với xà phòng, nước ấm và dung dịch sát khuẩn.

- Cần học cách xử lý chất thải. Trong 48 giờ sau khi điều trị, một lượng nhỏ thuốc hóa trị sẽ rời khỏi cơ thể qua nước tiểu, chất nôn và các chất dịch cơ thể khác. Do đó, các chất thải này cần phải được xử lý, tránh để chúng tiếp xúc với người bệnh và cả những người khác.

- Sử dụng găng tay khi làm vườn, chăm sóc trẻ con hoặc thú cưng sau khi hóa trị ung thư lưỡi.

- Bổ sung đủ nước và các chất dinh dưỡng dễ hấp thụ cho cơ thể. Người bệnh nên sử dụng các loại thực phẩm như cá, thịt trắng, trứng, rau xanh, trái cây, sữa…

- Tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng và vừa sức.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những điều cần lưu ý trong hóa trị ung thư lưỡi. Điều này giúp người bệnh chủ động hơn trong quá trình điều trị và chăm sóc sức khỏe sau hóa trị.


Tác giả: Thùy Dung