Những thông tin cần biết về bệnh tay chân miệng ở người lớn

Những thông tin cần biết về bệnh tay chân miệng ở người lớn
Bệnh tay chân miệng xuất hiện vào mọi thời điểm trong năm nhưng đỉnh điểm thường vào cuối xuân, đầu mùa hè - thu. Mặc dù bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em nhưng người lớn vẫn có thể bị tay chân miệng.

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng có khả năng mắc bệnh tay chân miệng nếu hệ miễn dịch của cơ thể không đủ khỏe để chống lại virus và chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng đúng cách.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở người lớn có khác so với bệnh ở trẻ em không? Bệnh tay chân miệng ở người lớn có lây không?,... là một vài câu hỏi thường gặp liên quan tới bệnh tay chân miệng ở người lớn. Dưới đây là những thông tin về bệnh tay chân miệng ở người lớn mà bạn có thể tham khảo.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do virus thuộc họ virus đường ruột, điển hình là hai nhóm tác nhân Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Trong đó bệnh tay chân miệng do nhiễm EV71 có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Theo CDC thì bệnh tay chân miệng có xu hướng phổ biến hơn ở trẻ dưới 10 tuổi, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi khi hệ miễn dịch còn non nớt, chưa hoàn thiện. Người lớn cũng có thể bị tay chân miệng và có thể gặp các biến chứng nguy hiểm hơn ở trẻ nhỏ. Và một người có thể mắc tay chân miệng nhiều lần trong đời.

Những thông tin cần biết về bệnh tay chân miệng ở người lớn - Ảnh 2.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người (Ảnh: ST)

Bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua dịch tiết ở mũi và họng bao gồm: Nước bọt, chất nhầy, dịch ở các vết loét trong miệng hoặc phân.

Đọc thêm:

+ 8 vị thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng

+ Bị chân tay miệng có phải kiêng gió không?

2. Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở người lớn và trẻ nhỏ có gì khác biệt?

Theo Healthline, nhìn chung thì dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở người lớn và trẻ nhỏ hầu như giống nhau, tuy nhiên có những trường hợp người lớn mắc tay chân miệng nhưng không biểu hiện triệu chứng. Chính vì lý do này mà bệnh phát hiện muộn dẫn tới nguy cơ lây nhiễm sang cho những người xung quanh cao hơn và cũng có thể dễ gặp phải các biến chứng hơn.

Các dấu hiệu bệnh tay chân miệng có thể gặp gồm: Ho, sốt, sổ mũi, buồn nôn và nôn mửa, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, tiêu chảy, đau họng, chán ăn. Sau khoảng 3 - 10 ngày sẽ xuất hiện các vết loét (herpangina), nốt phồng rộp ở lưỡi, lợi, bên trong má gây đau đớn cho người bệnh; các nốt ban đỏ cũng xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc thậm chí là mông, bụng, lưng, cơ quan sinh dục nhưng không gây ngứa.

Đặc biệt, các dấu hiệu tay chân miệng ở giai đoạn đầu như mệt mỏi, chán ăn rất dễ bị bỏ qua do nhầm lẫn với căng thẳng, làm việc quá sức.

3. Bệnh tay chân miệng ở người lớn có nguy hiểm không?

Theo CDC Hoa Kỳ, bệnh tay chân miệng thường phục hồi trong vòng 7 - 10 ngày mà không cần điều trị chăm sóc y tế đặc biệt và thời gian phục hồi ở trẻ 2 tuổi có thể lâu hơn. Cả người lớn và trẻ em mắc bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ biến chứng nếu không chăm sóc đúng cách.

Những thông tin cần biết về bệnh tay chân miệng ở người lớn - Ảnh 3.

Hình ảnh các nốt tay chân miệng ở người lớn (Ảnh: ST)

Trong đó, triệu chứng bệnh tay chân miệng ở người lớn đôi khi khó nhận biết hơn nên dẫn tới việc phát hiện muộn, xử trí không đúng cách và để lại các biến chứng nghiêm trọng. Hơn nữa, việc người lớn bị tay chân miệng mà không biết có thể trở thành mầm bệnh lây nhiễm cho trẻ em cùng các thành viên khác trong gia đình và mọi người xung quanh.

Các biến chứng tay chân miệng có thể kể đến gồm:

Những biến chứng nhẹ như mất nước, loét miệng họng, mất móng tay hoặc móng chân nhưng nghiêm trọng hơn, bệnh nhân bị tay chân miệng có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, chẳng hạn:

- Biến chứng thần kinh: Gồm viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, liệt dây thần kinh sọ não, liệt,...

- Biến chứng tim mạch: Tổn thương cơ tim như viêm cơ tim, suy tim, trụy mạch.

- Biến chứng hô hấp: Thở rút lõm, khó thở, phù phổi cấp.

- Nhiễm trùng máu.

Nhưng may mắn rằng, các biến chứng bệnh đòi hỏi can thiệp y tế rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên CDC lưu ý rằng, mọi người vẫn có thể lây lan virus trong vài ngày cho tới vài tuần dù người bệnh đã khỏi bệnh (nghĩa là các triệu chứng tay chân miệng đã biến mất và người bệnh không còn triệu chứng nào cả). Do đó, người lớn cần chủ động tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, đồng thời không trở thành nguồn lây tay chân miệng cho người khác.

Những thông tin cần biết về bệnh tay chân miệng ở người lớn - Ảnh 4.

Mọi người vẫn có thể lây lan virus trong vài ngày cho tới vài tuần dù người bệnh đã khỏi bệnh (Ảnh: ST)

4. Chẩn đoán và chăm sóc bệnh tay chân miệng ở người lớn

Để chẩn đoán bệnh tay chân miệng, bác sĩ sẽ dựa vào việc kiểm tra các nốt phỏng, vết loét trong miệng hay bàn chân, bàn tay, bộ phận sinh dục,... cùng các triệu chứng khác mà bạn gặp phải. Xét nghiệm tay chân miệng bằng dịch tỵ hầu hoặc mẫu phân giúp phát hiện sự tồn tại của virus tay chân miệng trong cơ thể nhanh và chính xác.

Trong trường hợp không có các yếu tố nguy cơ nghiêm trọng thì người lớn bị tay chân miệng có thể được theo dõi và chăm sóc tại nhà, bao gồm:

- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau khó chịu và hạ sốt.

- Uống nhiều nước và các chất lỏng khác để ngăn ngừa mất nước.

- Ăn các món ăn dễ nuốt, dễ tiêu hóa, cần tránh các thức ăn nóng, cay hoặc có tính axit dễ khiến các vết loét trong miệng đau nhức.

- Súc miệng bằng nước muối ấm có thể hữu ích để sát khuẩn và làm dịu cơn đau trong khoang miệng.

- Nghỉ cách ly tại nhà ít nhất từ 5 - 7 ngày.

- Ngủ đủ giấc.

- Chườm mát và tắm yến mạch để giảm ngứa và giảm viêm.

Với người chăm sóc người bệnh tay chân miệng, cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc, khử trùng sạch sẽ các bề mặt mà người bệnh chạm vào thường xuyên, đặc biệt là trong tuần bệnh đầu tiên.

Người lớn bị tay chân miệng khi nào cần khám bác sĩ? Nhìn chung, nếu có hệ miễn dịch suy giảm, bao gồm cả phụ nữ mang thai và mắc tay chân miệng, tốt nhất hãy nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn, nhất là trong trường hợp các triệu chứng tiến triển nghiêm trọng hơn như các dấu hiệu mất nước như khô miệng, giảm lượng nước tiểu, sốt cao không hạ,.. hoặc không cải thiện trong 10 ngày.

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh tay chân miệng là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc gần với người có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, rửa tay sau khi tiếp xúc với các bề mặt hay vật dụng ở nơi công cộng. Trong đó, người lớn có hệ miễn dịch suy yếu cần thận trọng hơn.

Nguồn dịch tham khảo:

1. What to Know About Hand, Foot, and Mouth Disease in Adults

2. Can adults get hand, foot, and mouth disease?

Tác giả: Allen