Viêm thanh quản là tình trạng sưng và viêm thanh quản. Đây là bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng có thể phát triển thành mãn tính. Các nguyên nhân gây bệnh do nhiễm virus, vi khuẩn, nói nhiều, trào ngược axit, hút thuốc và tiếp xúc với chất kích thích hoặc chất gây dị ứng. Đặc biệt, viêm thanh quản là bệnh dễ gặp trong mùa đông nhưng một số thói quen trong mùa hè cũng có thể gây ra tình trạng này.
Dấu hiệu của viêm thanh quản có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác. Một số triệu chứng phổ biến khi bị viêm thanh quản bao gồm:
- Khàn tiếng
- Khó phát âm thành tiếng, mất tiếng
- Đau họng
- Sốt nhẹ
- Ho dai dẳng
- Hắng giọng thường xuyên
Các triệu chứng này bắt đầu đột ngột và thường trở nên nghiêm trọng hơn trong 2–3 ngày sau đó. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần, rất có thể trường hợp đã trở thành mãn tính.
Đọc thêm:
- Hiện tượng nuốt nước bọt thấy vướng ở cổ họng là dấu hiệu mắc bệnh gì?
- Tìm hiểu chung về bệnh co thắt thanh quản
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm thanh quản nhưng một trong những thói quen vào mùa hè có thể là nguyên nhân gián tiếp gây ra tình trạng này.
- Sử dụng điều hoà không đúng cách
Giữa cái nóng oi ả trong ngày hè, điều hoà là thiết bị làm mát không thể thiếu. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hoà quá lâu, để nhiệt độ thấp, không vệ sinh điều hoà thường xuyên, ... khiến cổ họng khô, vi khuẩn, virus và nấm mốc dễ xâm nhập và gây viêm họng, viêm thanh quản.
- Uống nước đá
Vào mùa hè nhiều người có thói quen uống nước đá để giải khát. Tuy nhiên, việc uống nước đá thường xuyên sẽ kích ứng niêm mạc họng, gây ra tình trạng khô rát họng, có thể dẫn tới tình trạng viêm thanh quản.
Hơn nữa, việc sử dụng đá được làm từ nguồn nước không đảm bảo, có chứa vi khuẩn, virus, tạo điều kiện cho chung xâm nhập vào vùng hầu họng, gây ra các tình trạng viêm.
- Uống nhiều rượu bia
Uống bia rượu không chỉ gây viêm thanh quản mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ nói chung. Việc lạm dụng bia rượu gây suy giảm miễn dịch, khiến virus, vi khuẩn dễ xâm nhập và gây bệnh. Hơn nữa, nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài còn có thể gây ung thư thanh quản.
Ngoài những thói quen này, một số yếu tố vào mùa hè cũng làm tăng nguy cơ bị viêm thanh quản như ô nhiễm, khói bụi, ... Một số bệnh lý thường gặp trong mùa hè như cúm, viêm họng, viêm mũi xoang, viêm amidan cũng có thể gây viêm thanh quản cấp tính.
Phương pháp điều trị phổ biến nhất khi bị viêm thanh quản là nghỉ ngơi và tự chăm sóc, cụ thể:
- Tránh hít phải các chất kích thích, chẳng hạn như hút thuốc hoặc khói thuốc thụ động
- Uống nhiều nước
- Tránh nói to, nói nhiều
- Chế độ ăn uống phù hợp, ưu tiên những thực phẩm mềm lỏng, tăng cường rau xanh, hoa quả, uống mật ong và gừng. Đồng thời người bệnh cần hạn chế những thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ, nước đá hoặc nước lạnh.
- Tránh thuốc thông mũi, vì chúng làm khô cổ họng
- Hít thở không khí ẩm, đặc biệt nếu như sử dụng điều hoà, bạn nên sử dụng thêm máy tạo độ ẩm
- Sử dụng acetaminophens, chẳng hạn như paracetamol hoặc ibuprofen để kiểm soát cơn đau
Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm thanh quản. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, viêm thanh quản là do virus và kháng sinh không phù hợp.
Ngoài ra, một số biện pháp điều trị khác còn có thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Điều cần thiết là bạn nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo chỉ định từ bác sĩ.
Mọi người có thể áp dụng một số biện pháp để hạn chế tình trạng dây thanh bị khô, rát và giúp giảm nguy cơ viêm thanh quản:
- Tránh hắng giọng
- Thực hiện các bước để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như thực hành vệ sinh tốt và tránh tiếp xúc với những người bị bệnh truyền nhiễm.
- Bỏ hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động nếu có thể
- Hạn chế hoặc loại bỏ uống rượu và caffein, vì những thứ này có thể làm tăng nguy cơ mất nước
- Tránh uống nước đá, đặc biệt không sử dụng đá từ nguồn nước bị ô nhiễm hoặc môi trường làm đá không đảm bảo.
- Sử dụng điều hoà đúng cách như: vệ sinh điều hoà thường xuyên, không nên sử dụng điều hoà liên tục, để nhiệt độ từ 26-29 độ, sử dụng máy tạo độ ẩm, ...
- Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những nơi có nhiều khói bụi, hoá chất, ...
- Nếu bạn bị trào ngược, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh trào ngược, chẳng hạn như tránh ăn khuya, không nhai kẹo cao su và nâng cao gối khi ngủ.