Những tác hại khi trẻ bị thiếu kẽm và cách phòng tránh từ sớm

Những tác hại khi trẻ bị thiếu kẽm và cách phòng tránh từ sớm
Cũng như các dưỡng chất khác, kẽm rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Do đó, việc trẻ bị thiếu kẽm sẽ mang đến những tác hại khôn lường cho sức khoẻ của trẻ.

Tình trạng thiếu hụt kẽm ở trẻ có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng dù ở mức độ nào, việc thiếu kẽm cũng mang đến những ảnh hưởng nhất định cho trẻ. Cùng tìm hiểu những tác hại khi trẻ bị thiếu kẽm trong bài viết sau đây.

1. Tác hại khi trẻ bị thiếu kẽm theo các mức độ

1.1. Trẻ bị thiếu kẽm ở mức độ vừa và nhẹ

Thiếu hụt kẽm là một trong những tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Ở mức độ vừa và nhẹ, trẻ bị thiếu kẽm sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe như sau:

- Suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng, chậm lớn, chậm phát triển chiều cao là những vấn đề thường gặp khi trẻ bị thiếu kẽm. Mức độ suy dinh dưỡng ở trẻ cũng sẽ phụ thuộc vào hàm lượng kẽm mà trẻ bị thiếu hụt.

- Rối loạn hệ tiêu hóa và quá trình chuyển hóa: Trẻ bị thiếu kẽm thường biếng ăn, kén ăn và tiêu hóa rất kém. Thậm chí, trẻ còn thường xuyên có các biểu hiện như buồn nôn, khó tiêu và táo bón.

- Rối loạn tâm - thần kinh: Rối loạn tâm - thần kinh ở trẻ thường được biểu hiện bằng tình trạng rối loạn giấc ngủ. Cụ thể, trẻ sẽ cảm thấy khó ngủ, ngủ không ngon giấc và thức giấc giữa đêm. Còn đối với trẻ nhỏ, khóc đêm kéo dài chính là dấu hiệu của tình trạng trẻ bị thiếu kẽm.

Ngoài ra, việc thiếu hụt kẽm còn có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và hệ thần kinh của trẻ. Trẻ thường có các cơn đau đầu do suy nhược thần kinh hoặc giảm khả năng ghi nhớ. Trong một số trường hợp, rối loạn cảm xúc và giác quan cũng là biểu hiện của thiếu hụt kẽm.

- Suy giảm hệ miễn dịch: Hàm lượng kẽm trong cơ thể và hệ miễn dịch của trẻ có mối quan hệ khá mật thiết. Khi thiếu hụt kẽm, trẻ thường mắc các bệnh liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hoá. Chẳng hạn như viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm đường tiêu hoá…

- Tổn thương biểu mô và các vấn đề liên quan đến da: Trẻ bị thiếu kẽm thường gặp các vấn đề như khô, nám và viêm tại một số vùng da. Đặc biệt là các vùng như da mặt, da ở mặt trước 2 chi dưới, gần miệng và gót chân.

Ngoài ra, việc thiếu hụt kẽm cũng sẽ làm cho các vết thương này của trẻ khó lành hơn. Bởi kẽm chính là khoáng chất có vai trò tạo enyme mới, cần thiết cho việc tái tạo vết thương.

- Trẻ có thể gặp các vấn đề về mắt: Trẻ bị thiếu kẽm thường rất nhạy cảm với ánh sáng. Thậm chí trẻ còn có thể gặp các vấn đề về mắt như: khô, quáng gà, loét giác mạc…

1.2. Tác hại khi trẻ thiếu kẽm mức độ nặng

Thiếu hụt kẽm ở mức độ nặng được hiểu là khi hàm lượng kẽm trong cơ thể trẻ thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị. Đây là tình trạng đáng báo động, bởi trẻ phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Bao gồm:

- Các tình trạng da liễu nghiêm trọng như dày sừng, viêm da, sạm da, bong da, vẩy cá…

- Các vùng viêm hình thành quanh hậu môn, bộ phận sinh dục.

- Các căn bệnh nhiễm trùng tái diễn nhiều lần.

- Tình trạng rối loạn nhận thức.

- Chậm phát triển tâm thần vận động.

- Chậm phát triển giới tính.

- Giảm khả năng tuyến sinh dục về sau.

- Thấp còi.

- Suy dinh dưỡng ở mức độ nặng.

- Chứng ngủ lịm.

2. Phòng tránh các tác hại do thiếu kẽm ở trẻ em

Để phòng tránh nguy cơ thiếu kẽm, trẻ phải được bổ sung đủ lượng kẽm khuyến nghị hàng ngày. Theo khuyến nghị, lượng kẽm trẻ cần bổ sung hàng ngày là:

- Trẻ từ 7 tháng tuổi đến 3 tuổi: 5 mg kẽm nguyên tố/ ngày.

- Trẻ từ 4 đến 13 tuổi: 10mg kẽm nguyên tố/ ngày.

Ngoài ra, nguồn kẽm bổ sung cho trẻ cũng là một vấn đề cần lưu ý. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn kẽm duy nhất mà trẻ có thể tiếp nhận. Tuy nhiên, hàm lượng kẽm có trong sữa mẹ sẽ có xu hướng giảm dần theo thời gian. Do đó, các bà mẹ cần duy trì lượng kẽm trong sữa bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm.

Đối với các bé lớn hơn, phụ huynh có thể phòng tránh việc trẻ bị thiếu kẽm thông qua chế độ ăn uống. Bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm như: sữa, lòng đỏ trứng, tôm đồng, hàu, cá…

Đồng thời, bố mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để cho trẻ sử dụng thêm dược phẩm bổ sung. Dược phẩm bổ sung kẽm cho trẻ thường được điều chế dưới dạng vitamin tổng hợp. Do đó, ngoài kẽm, trẻ có thể tiếp nhận thêm nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.

Thiếu hụt kẽm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ thấp còi và chậm phát triển. Vì vậy, bố mẹ đừng chủ quan và thờ ơ với những dấu hiệu cho thấy trẻ bị thiếu kẽm nhé!


Tác giả: Thùy Dung