Những tác dụng phụ khi điều trị ung thư buồng trứng

Những tác dụng phụ khi điều trị ung thư buồng trứng
Sau điều trị ung thư buồng trứng, bệnh nhân có thể phải đối mặt với một số tác dụng phụ như rụng róc, rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon, giảm cân...do xạ trị, hóa trị gây ra. Trong trường hợp này bệnh nhân cần làm gì để cơ thể nhanh phục hồi cũng như duy trì sức khỏe tốt hơn?

Ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu thường không có những biểu hiện cụ thể, nếu có cũng rất dễ nhầm lẫn với bệnh tiêu hóa thông thường. Do vậy phần lớn bệnh nhân khi phát hiện bệnh đều đã ở giai đoạn muộn, rất khó cho việc điều trị. Điều trị ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm có thể khỏi bệnh đến 90%, giai đoạn 2 là 60%, giai đoạn muộn hơn thường chủ yếu để giảm đau và kéo dài sự sống. 

Phần lớn những phụ nữ trưởng thành bị ung thư buồng trứng cần được phẫu thuật rộng rãi bao gồm cắt bỏ buồng trứng, vòi trứng, tử cung, cổ tử cung cũng như hạch bạch huyết lân cận và nếp mô mỡ ổ bụng được gọi là mạc nối, nơi ung thư buồng trứng thường lan tới. Ngoài ra, phương pháp hóa trị, xạ trị cũng được sử dụng phổ biến để tiêu diệt các tế bào ung thư. 

1. Các tác dụng phụ khi điều trị

Phẫu thuật gây ra cơn đau ngắn, trong vài ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi đi tiểu và nhu động ruột chưa trở lại.

Cắt buồng trứng cũng có nghĩa là nguồn nội tiết estrogen và progesterone của cơ thể sẽ mất và bệnh nhân sẽ mất kinh. Các biểu hiện của mãn kinh như cơn bốc nóng, khô âm đạo xảy ra sớm sau phẫu thuật. Một vài liệu pháp thay thế hormone có thể dùng để làm giảm các triệu chứng, tuy nhiên nên nói chuyện với bác sĩ về những nguy cơ và lợi ích của việc dùng nội tiết thay thế.

Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị hóa chất là buồn nôn và nôn, ăn không ngon, ỉa chảy, mệt mỏi, tê và cảm giác kim châm ở bàn tay bàn chân, đau đầu, rụng tóc, xạm da và móng. Một số thuốc dùng trong ung thư buồng trứng có thể làm giảm khả năng nghe và gây tổn thương thận.

Các tác dụng phụ do xạ trị phụ thuộc chủ yếu vào liều xạ và phần cơ thể bị chiếu xạ. Tác dụng phụ hay gặp khi chiếu xạ vào vùng bụng là mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đái khó, ỉa chảy và biến đổi da vùng bụng. Xạ trị trong phúc mạc có thể gây đau bụng và tắc ruột.

2. Theo dõi định kỳ sau điều trị

Theo dõi chăm sóc sau điều trị ung thư buồng trứng là rất quan trọng, kiểm tra đều đặn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa bao gồm thăm khám lâm sàng và làm PAP test . Bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm các xét nghiệm như chụp phổi, chụp cắt lớp, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu và định lượng CA-125.

Phụ nữ bị ung thư buồng trứng thường có nguy cơ cao bị ung thư vú hoặc ung thư đại tràng, hơn nữa việc dùng một số thuốc chống ung thư có thể gây một ung thư thứ phát như ung thư máu nên cần kiểm tra phát hiện các loại ung thư khác sau khi điều trị ung thư buồng trứng.

Lựa chọn phương pháp điều trị đúng là rất cần thiết nhằm tăng hiệu quả điều trị. Quan trọng hơn, theo dõi sau điều trị cũng là rất cần thiết để phòng ung thư di căn và phát hiện các ung thư thứ phát sau điều trị ung thư buồng trứng.


Tác giả: MN