Những tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng thuốc bổ sung canxi cho bệnh nhân loãng xương

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những tác dụng phụ cần lưu ý khi sử dụng thuốc bổ sung canxi cho bệnh nhân loãng xương
Bổ sung canxi qua thuốc được ưa chuộng bởi tính tiện lợi và sẵn có đồng thời cho hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc bổ sung canxi không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe của bệnh nhân loãng xương.

1. Những tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng thuốc bổ sung canxi cho bệnh nhân loãng xương

- Táo bón:

Các thuốc bổ sung canxi thường khiến cho bệnh nhân loãng xương bị nóng trong và táo bón, kích thích dạ dày và trướng bụng. Tuy nhiên bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách đổi thuốc, tìm thuốc đáp ứng tốt và dễ dung nạp hơn. 

Hiện nay có khá nhiều loại thuốc canxi với những thành phần và cách hấp thụ khác nhau. Bạn có thể phải đổi thuốc nhiều lần mới có thể tìm ra loại phù hợp với mình nhất.

- Sỏi thận:

Đây là tác dụng phụ khi bạn bổ sung canxi nhiều hơn nhu cầu cần thiết hàng ngày. Lượng canxi được đề xuất hàng ngày cho người lớn là:

    + Người lớn 19-50 tuổi: 1.000 mg 

    + Đàn ông trưởng thành 51-70 tuổi: 1.000 mg 

    + Phụ nữ trưởng thành 51-70 tuổi: 1.200 mg 

    + Người lớn 71 tuổi trở lên: 1.200 mg 

    + Phụ nữ có thai và cho con bú: 1.300 mg 

    + Người lớn đang mang thai và cho con bú: 1.000 mg 

- Bệnh tim:

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các thuốc bổ sung canxi có thể khiến tăng nguy cơ đau tim ở những phụ nữ cao tuổi. Do vậy bạn cần khám và tuân thủ theo chỉ định bổ sung canxi của bác sĩ, không tùy ý sử dụng thuốc.

- Chuột rút:

Khi bổ sung nhiều canxi có thể khiến các mô và cơ bắt đầu tích tụ canxi. Hậu quả là bệnh nhân loãng xương thường bị chuột rút và đau cơ. Do vậy, ngay khi bạn có triệu chứng chuột rút, đau cơ khớp thì cần giảm liều lượng canxi ngay lập tức.

- Thay đổi tâm trạng:

Những bệnh nhân loãng xương bổ sung canxi quá liều thường hay cảm thấy khó chịu, thường xuyên phàn nàn, thậm chí còn bị trầm cảm. Nếu thấy những triệu chứng tiêu cực trên, hãy thăm khám và xin ý kiến tư vấn của các bác sĩ.

- Giảm hiệu quả của thuốc khác:

Có khá nhiều loại thuốc không tương thích với thuốc bổ sung canxi, ví dụ như thuốc bổ sung sắt, thuốc chống axit, vitamin C,...  Canxi có thể làm giảm sự hấp thu của các loại thuốc này nếu dùng cùng một lúc:  Bisphosphonates (điều trị loãng xương),  thuốc tuyến giáp,  một số loại thuốc chống động kinh (phenytoin),  một số loại kháng sinh,...

2. Sử dụng thuốc bổ sung canxi cho bệnh nhân loãng xương đúng cách để giảm tác dụng phụ

- Sử dụng thuốc bổ sung canxi có thương hiệu uy tín.

- Nghiên cứu kỹ các loại thuốc canxi để lựa chọn được loại thuốc dễ hấp thụ và phù hợp nhất với bệnh nhân loãng xương. Việc hiểu loại thuốc mình đang sử dụng cũng giúp cho bạn sử dụng thuốc đúng cách hơn.

- Bệnh nhân loãng xương cần thăm khám và bổ sung canxi theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự mua thuốc về uống.

- Bổ sung đủ liều lượng. Việc thiếu hoặc thừa canxi đều gây hại cho sức khỏe.

- Chỉ nên uống canxi vào buổi sáng hoặc trưa vì thuốc sẽ gây khó ngủ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu. Ban ngày cũng là lúc mà cơ thể có thể tổng hợp vitamin D để kích thích cơ thể hấp thụ canxi. Nên uống canxi sau khi ăn khoảng 30 phút. 

- Bổ sung vitamin D và vitamin K2 song song để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.

- Không uống canxi cùng lúc với sữa, sắt, và các loại thuốc không tương thích.

- Liều canxi càng cao thì càng ít hấp thu. Để hấp thu tối đa, không nên dùng quá 500 mg canxi trong một liều duy nhất. Nếu bạn cần nhiều hơn 500 mg như một chất bổ sung, hãy dùng các liều cách nhau ít nhất 4 giờ.

- Khi sử dụng thuốc bổ sung canxi, bệnh nhân loãng xương cũng cần kiêng rượu bia thuốc lá, bởi chúng làm tăng đào thải canxi, cơ thể khó hấp thụ canxi, khiến cho việc sử dụng thuốc canxi không có hiệu quả.


Tác giả: Minh vy