Những sự thật về u nang tuyến vú (P1)

Những sự thật về u nang tuyến vú (P1)
Dù chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra sự thay đổi của sợi bọc tuyến và gây ra u nang tuyến vú tuy nhiên hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đó là do kinh nguyệt.

Khối u khi xuất hiện bất thường ở ngực là một điều đáng làm các chị em rất lo ngại. Dấu hiệu này thường được biết đến là dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư vú. Theo trang Breastcancer thì có tới 1/8 phụ nữ trên thế giới có khả năng bị mắc căn bệnh này trong suốt cuộc đời của mình. Người ta đã thống kê được rằng có tới hơn 40 nghìn phụ nữ ở Mỹ bị tử vong do ung thư vú.

Do vậy mà việc cảm thấy hoảng sợ khi ở vú xuất hiện các bướu cục là điều rất dễ hiểu.

Tuy vậy thì các chuyên gia ung bướu cũng cho biết rằng, không phải lúc nào sự xuất hiện u bướu cũng là biểu hiện của ung thư, mà u cục ở vú có thể là bệnh u nang tuyến vú hoặc u xơ nang vú. Những khối u kích cỡ nhỏ có thể sẽ xuất hiện dày đặc ở khu vực nhũ hoa của bệnh nhân.

Bạn có thể dễ dàng quan sát khi sờ nắn nhũ hoa của mình. Lauren Cornell - một chuyên gia nội khoa của Trung tâm Y tế Roberto and Monica Jacoby trực thuộc của bệnh viện Mayo đã cho biết rằng, khi được kiểm tra bằng kính hiển vi thì bạn sẽ quan sát thấy những mô vú có chứa các túi dịch, túi nang hay những mô sợi đặc biệt.

Ảnh 2.

Việc xuất hiện các khối u cục ở vú khiến chị em lo lắng về việc bị mắc ung thư vú (Ảnh: Internet)

Và để giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh hay nói cách khác là tỷ lệ các ca mắc mới của u nang tuyến vú thì bạn nên đi thăm khám và kiểm tra vú định kỳ, đặc biệt là những phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi. 

Alyssa Dweck - một bác sĩ phụ khoa tại CareMount Medical tại New York và là đồng tác giả của cuốn The Complete A to Z for Your V, đã cho biết, theo như ước tính thì có hơn 50% phụ nữ có khả năng bị u nang tuyến vú trong suốt cuộc đời. Và dưới đây là những sự thật mà bạn cần phải biết về bệnh u nang tuyến vú:

1. U nang tuyến vú không phải lúc nào cũng phát triển thành ung thư vú

Có rất nhiều phụ nữ mặc định rằng u cục của u nang tuyến vú là biểu hiện gắn liền với ung thư vú. Tuy vậy thì trên thực tế bệnh u nang tuyến vú không có khả năng phát triển thành ung thư trừ khi trong nang này có tế bào ung thư ác tính.

Ảnh 3.

Không phải bất cứ dạng u nang tuyến vú nào cũng phát triển thành ung thư vú (Ảnh: Internet)

Nicole Zaremba - một chuyên gia y khoa cũng là bác sĩ phẫu thuật bệnh ung thư vú ở trung tâm Aurora Health tại Milwaukee cho biết, bệnh u nang tuyến vú không thể làm tăng được nguy cơ gây ra ung thư vú. Hầu hết những người mắc u nang tuyến vú đều là dạng khối u lành tính.

Bên cạnh đó thì bạn cũng không nên chủ quan bởi các sợi bọc tuyến ở nhũ hoa phát triển bất thường có thể khiến nhũ hoa của bạn trở nên rắn chắc. Ở những phụ nữ có tình trạng nhũ hoa rắn chắc nghiêm trọng có thể trở thành nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 4 tới 5 lần so với phụ nữ bình thường.

Do vậy việc phân biệt được khối u ở tuyến vú là lành tính hay ác tính đóng vai trò rất quan trọng. Chẩn đoán khối u có thể thông qua chụp Xquang tuyến vú, siêu âm tuyến vú hoặc sinh thiết tế bào.

2. Tự kiểm tra nhũ hoa có phát hiện được bệnh không?

Có nhiều người cho rằng không thể tự kiểm tra u nang tuyến vú qua nhũ hoa. Tuy nhiên thì bạn có thể tự kiểm tra nhũ hoa của mình để phát hiện những biểu hiện bất thường của vú khoảng vài lần một tháng.

Các chuyên gia ung bướu cho biết thời điểm tốt nhất cho việc tự kiểm tra nhũ hoa là 1 tuần sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt bởi đây là giai đoạn mà hormone nội tiết tố bị suy giảm. Vậy tự kiểm tra nhũ hoa như thế nào?

Ảnh 4.

Tự kiểm tra nhũ hoa giúp phát hiện những bất thường ở tuyến vú và nhũ hoa (Ảnh: Internet)

- Bước 1: Đứng trước một tấm gương và để tay ở hai bên hông

- Bước 2: Sau đó đưa tay lên qua đỉnh đầu sau đó quan sát xem vú có những biểu hiện như mất cân xứng không, có bị chảy dịch hay chảy mủ không, vú có bị biến đổi màu sắc không hay có nhìn thấy những đường gân xanh không,..

- Bước 3: Tiếp theo bạn nằm xuống rồi cảm nhận từng bên vú để xem có cảm thấy được khối u nào không hoặc có những biến đổi mô bất thường không. Bạn nên chuyển động ngón tay thành vòng tròn ở khu vực nhũ hoa để cảm nhẩn rõ hơn.

Sau khi thực hiện xong các bước trên ở cả hai bên vú thì bạn chuyển sang quan sát ở hai bên nách có thấy biểu hiện gì bất thường không. Tiếp đến hãy đứng lên hay ngồi xuống và kiểm tra vú tương tự như bước 3.

Ngoài những bước tự kiểm tra nhũ hoa phát hiện u nang tuyến vú như trên thì bạn vẫn cần định kỳ kiểm tra ở các cơ sở y tế bằng phương pháp chụp X quang, đặc biệt là nữ giới ở độ tuổi từ 40 đến 45 tuổi.

Tác giả: Phương Thuận