Nhiều người quan niệm rằng, viêm nang lông chỉ xuất hiện ở tay, chân. Đây là những vùng ít được chú ý và thường được che kín bởi quần áo, ít ảnh hưởng thẩm mỹ nên mọi người thường lơ là trong việc chữa trị. Chính vì vậy, khi bệnh trở nặng, lan sang khác vùng khác, bệnh nhân mới lo lắng tìm cách chữa thì đã muộn. Bệnh lúc này rất khó để điều trị viêm nang lông triệt để, và bệnh đã để lại các biến chứng như thâm, sẹo.
Cũng vì suy nghĩ viêm nang lông chỉ xuất hiện ở tay chân nên khi các vùng da khác như ngực, mông, lưng, da đầu, mặt,.. xuất hiện các nốt sẩn ngứa thì bệnh nhân chủ quan, chỉ coi là những nốt mụn ngứa, mụn trứng cá thông thường. Tâm lý của bệnh nhân là để 1 thời gian các mụn này sẽ tự hết. Đây chính là điều kiện giúp cho viêm nang lông lan rộng và khó điều trị hơn.
Vệ sinh sạch sẽ là điều cần thiết nhưng chưa đủ để phòng tránh và điều trị viêm nang lông. Bởi nguyên nhân gây viêm nang lông còn do nội tiết tố, hoặc do ảnh hưởng của thời tiết. Nếu thời tiết nắng nóng thì sẽ kích thích cơ thể đổ dầu mà mồ hôi nhiều hơn, dẫn đến bít tắc lỗ chân lông, gây viêm.
Nếu tuyến dầu nhờn của bạn hoạt động quá mức, bạn có thể tham khảo các phương pháp kỹ thuật hiện đại can thiệp để ức chế sản sinh bã nhờn.
Viêm nang lông thường do các loại nấm, vi khuẩn và virus gây nên. Do vậy, nếu chỉ vệ sinh cơ thể thì việc điều trị viêm nang lông có thể phải kéo dài và không hiệu quả.
Bạn nên tìm đến các bác sĩ da liễu để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Việc sử dụng thêm thuốc uống hoặc bôi sẽ hỗ trợ điều trị viêm nang lông nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Viêm nang lông là bệnh không nguy hiểm và không khó điều trị, nhưng việc chữa trị lại cần nhiều thời gian. Để nhìn thấy hiệu quả của việc điều trị viêm nang lông, bạn phải đợi từ 4 đến 6 tuần. Sau thời gian này mà bệnh không có tiến triển thì bạn sẽ được xem xét đổi phương pháp điều trị khác. Giống như các bệnh khác, đôi khi bạn cần phải trải qua một số cách điều trị viêm nang lông mới tìm được phương pháp phù hợp với mình nhất.
Viêm nang lông là bệnh hay tái phát, nên sau khi đã điều trị thành công, bạn vẫn cần duy trì chăm sóc và theo dõi da thường xuyên. Điều cần làm là vệ sinh sạch sẽ, tẩy da chết định kỳ, dưỡng ẩm da,... để ngăn bệnh quay trở lại.
- Việc tự ý sử dụng thuốc bôi và uống khi điều trị viêm nang lông có thể khiến bạn "tiền mất tật mang". Bởi bạn cần được xét nghiệm để xác định viêm nang lông do vi khuẩn, nấm hay virus gây ra thì mới có thể quyết định sử dụng thuốc kháng nấm, kháng virus hay kháng vi khuẩn.
- Việc làm ẩm và mềm da có thể giúp hạn chế tình trạng sừng hóa da, ngăn chặn tình trạng lông mọc ngược, ngăn chặn viêm nhiễm. Nhưng nếu bạn sử dụng các loại kem dưỡng ẩm chứa nhiều dầu, hoặc dùng dầu dừa, dầu oliu,... để chăm sóc da thì sẽ gây tác dụng ngược. Bởi dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, làm tình trạng viêm nặng hơn.
- Khi bị viêm nang lông, bạn thường chà xát mạnh, dùng xà phòng có tính tẩy cao, với hi vọng vệ sinh sạch sẽ thì viêm nang lông sẽ nhanh chóng biến mất. Nhưng những việc làm này có thể làm da bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm lan rộng hơn.