Những sai lầm tai hại khi điều trị viêm mũi dị ứng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những sai lầm tai hại khi điều trị viêm mũi dị ứng
Điều trị viêm mũi dị ứng là điều cần thiết để có thể đẩy lùi bệnh. Tuy nhiên, một số sai lầm mắc phải khi điều trị có thể khiến điều trị không có hiệu quả hay thậm chí gây nên nguy hiểm nhất định cho người bệnh.

1. Không xác định được tác nhân gây viêm mũi dị ứng của bản thân

Nhiều bệnh nhân cho rằng, các loại thuốc kháng dị ứng có thể giải quyết bất cứ tình trạng dị ứng nào cho cơ thể của họ, dù dị nguyên hay tác nhân gây nên là gì đi chăng nữa. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy, thuốc kháng dị ứng đôi khi cũng không thể hiện được nhiều hiệu quả khi bệnh nhân tự ý sử dụng, điều này dẫn đến nghi ngờ về hiệu quả và chất lượng của thuốc.

Vì vậy, xác định chính xác được dị nguyên gây nên tình trạng dị ứng trên người bệnh là đối tượng nào có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định phương pháp điều trị, loại thuốc sử dụng và liệu lượng sử dụng,... Sự tối ưu các vấn đề này sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao hơn hẳn so với việc bệnh nhân tự điều trị viêm mũi dị ứng mà không xác định được nguyên nhân gây dị ứng là gì.

2. Không loại bỏ dị nguyên khi điều trị viêm mũi dị ứng

Một sai lầm khác rất dễ mắc phải khi điều trị viêm mũi dị ứng đó là bệnh nhân không được loại bỏ dị nguyên gây dị ứng ra khỏi cơ thể, hoặc đã được loại bỏ nhưng loại bỏ không hoàn toàn. Bởi sự tồn tại của các dị nguyên trong cơ thể sẽ khiến tình trạng dị ứng có thể tiếp tục xảy ra kể cả khi bệnh nhân đã được điều trị tích cực bằng các loại thuốc kháng dị ứng.

Vì vậy, một điều quan trọng cần làm khi điều trị viêm mũi dị ứng là loại bỏ các tác nhân có thể kích thích dị ứng xảy ra để chúng không còn tiếp xúc với cơ thể bạn.

Có nhiều cách khác nhau có thể sử dụng để loại bỏ tác nhân kích thích như thụt rửa mũi, thay đổi môi trường sống, không tiếp xúc với các dị nguyên đã xác định như phấn hoa, lông súc vật, thức ăn gây dị ứng,...

3. Chỉ điều trị viêm mũi dị ứng khi bệnh xảy ra

Nhiều người cho rằng, bao giờ bệnh viêm mũi dị ứng xảy ra, đó mới là thời điểm cần thiết tiến hành điều trị. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm nghiêm trọng mà chúng ta cần tránh. Bởi ta nên biết rằng, điều trị dự phòng bệnh xảy ra sẽ luôn luôn tốt hơn là chỉ can thiệp điều trị khi bệnh đã xảy ra.

Vì thế, khi có các yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng viêm mũi dị ứng như tiếp xúc với cơ thể như phấn hoa, bụi, lông súc vật, sự thay đổi nhiệt độ theo mùa,... người bị viêm mũi dị ứng có thể sử dụng thuốc để dự phòng tình trạng dị ứng xảy ra.

4. Lạm dụng các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng

Không phải cứ khi bệnh nhân điều trị viêm mũi dị ứng càng nhiều, càng tích cực thì bệnh sẽ càng nhanh hết. Việc quá lạm dụng các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng có thể gây nên các tổn thương cho bệnh nhân.

Chẳng hạn như thụt rửa mũi có tác dụng loại bỏ dị nguyên dị ứng ra khỏi đường thở, tuy nhiên khi thụt rửa mũi quá nhiều sẽ khiến niêm mạc mũi mất nhầy và dễ bị khô. Hoặc lạm dụng các loại thuốc xịt điều trị viêm mũi dị ứng có tác dụng co mạch sẽ làm gia tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc khiến cho điều trị về sau trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Do đó, cần điều trị viêm mũi dị ứng đúng phương pháp, đúng liều lượng, và đúng thời gian để có thể đẩy lui bệnh hiệu quả và an toàn.

Có thể thấy rằng, điều trị viêm mũi dị ứng tưởng chừng đơn giản nhưng lại kém hiệu quả hoặc thậm chí rất nguy hiểm nếu ta điều trị không đúng cách. Vì vậy người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ để có thể đảm bảo an toàn và hiệu quả khi điều trị viêm mũi dị ứng.


Tác giả: QN