Bác sĩ Koh Jaan Yang, chuyên gia tư vấn cấp cao về điều trị giảm nhẹ tại Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore, chỉ ra một số quan niệm sai lầm về các cơn đau ở bệnh nhân ung thư và cách sử dụng thuốc giảm đau như sau:
Nhiều người nghĩ rằng tất cả bệnh nhân ung thư sẽ bị đau nghiêm trọng. Song thực tế có một số bệnh nhân không bị như vậy. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cứ 4 bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển thì có một người không phải chịu các cơn đau. Khoảng một trong số 4 bệnh nhân có thể rất đau, trong khi những người khác chỉ bị đau nhẹ hoặc đau vừa.
Bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển thường bị đau do ung thư gây ra. Nhiều người nghĩ rằng hễ bệnh nhân ung thư bị đau là phải dùng thuốc mạnh, từ đó dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn. Theo khuyến cáo, các thuốc giảm đau mạnh như morphine hay oxycodone được kê cho người bị đau từ mức độ vừa tới nặng mà thôi. Bệnh nhân ung thư bị đau nhẹ hoặc vừa có thể dùng thuốc giảm đau phổ thông như paraceta-mol, thuốc kháng viêm không có steroid như diclofenac, naproxen, celecox-ib.
Các loại thuốc opioids giảm đau nhẹ như codeine và tramadol có thể được kê bổ sung. Nếu bệnh nhân bị đau dây thần kinh do tổn thương hoặc bị ảnh hưởng, có thể dùng thuốc giảm đau khác như Lyrica hay gabapenti.
Có 3 phản ứng phụ phổ biến mà bệnh nhân dùng morphine hoặc các thuốc opioid mạnh gặp phải bao gồm buồn ngủ, buồn nôn và nôn, táo bón. Những phản ứng phụ này có thể được kiểm soát tương đối dễ dàng.
Tình trạng buồn ngủ thường xuất hiện khi bệnh nhân lần đầu dùng thuốc hoặc tăng liều lượng. Tình trạng này thường được cải thiện sau một vài ngày. Nếu cơn buồn ngủ kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể cân nhắc giảm liều lượng hoặc dừng thuốc.
Cứ 3 bệnh nhân sử dụng morphine thì có một người bị buồn nôn và nôn mửa. Tình trạng có thể dễ dàng ngăn chặn bằng thuốc chống nôn như metocloparmide hoặc domperidone. Nhiều bệnh nhân dùng morphine hoặc các thuốc opioids mạnh vài lần thường quen với thuốc và không còn bị buồn nôn nữa.
Táo bón do opioid là một phản ứng phụ phổ biến. Tình trạng này có thể được kiểm soát dễ dàng bằng cách uống nhiều nước và các loại thuốc nhuận tràng phổ biến như senokot hoặc lactulose.
Những bệnh nhân bị đau nhiều phải dùng đến các thuốc giảm đau mạnh theo đúng chỉ định của bác sĩ thì sẽ không bị nghiện. Khi các cơn đau được giải phóng bằng phương pháp khác, chẳng hạn như xạ trị đối với cơn đau xương, thì có thể giảm liều morphine hoặc dừng hẳn.
Morphine chỉ nên được sử dụng như phương án cuối cùng, khi cái chết đến rất gần?
Quyết định dùng morphine dựa trên nhu cầu kiểm soát cơn đau chứ không phải đợi đến khi bệnh nhân cận kề cái chết. Khi hết đau, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện theo hướng tích cực hơn.
Việc sử dụng morphine hay các thuốc giảm đau mạnh không dẫn tới cái chết, đặc biệt nếu bắt đầu dùng với liều thấp và tăng dần lên. Trong một số trường hợp dùng thuốc giảm đau mạnh hoặc tăng liều cho bệnh nhân suy kiệt, đang hấp hối, kết cục tử vong thường không thể tránh khỏi. Khi đó người ta thường ''đổ oan'' cho morphine gây ra cái chết của bệnh nhân. Theo bác sĩ Koh, trong trường hợp này bệnh nhân tử vong là do bệnh dù thuốc giảm đau có mạnh tới mức nào. Song dù sao thuốc cũng mang lại hiệu quả giảm đau, giảm khó thở trong phút lâm chung giúp bệnh nhân ra đi thanh thản hơn.
Không phải tất cả các bệnh nhân đang hấp hối đều bị đau mà phải dùng thuốc opioid mạnh. Thực tế, dùng thuốc khi không có chỉ định phù hợp có thể gây ra phản ứng phụ không mong muốn.