Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một số loại virus đường ruột. Thông thường, tay chân miệng là bệnh không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi sau khoảng1 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nhiễm virus EV71 hoặc việc chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng không được thực hiện đúng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Mặt khác, tay chân miệng là bệnh lây lan rất nhanh qua những tiếp xúc thông thường như nói chuyện, hắt hơi, cầm nắm vào vật dụng công cộng,... nên nguy cơ bùng phát thành dịch ở trường học, khu dân cư,... là rất cao. Những sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh có điều kiện lan rộng sang những người xung quanh.
Các nốt phỏng, viêm loét trong miệng là vấn đề đáng lo ngại nhất trong chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng. Các nốt phỏng này vừa khiến trẻ đau đớn, khó ăn, khó nuốt, mệt mỏi, vừa có nguy cơ dẫn đến nấm miệng, nha chu,... nếu không được chăm sóc đúng cách hoặc để xảy ra bội nhiễm.
Vệ sinh răng miệng không đúng cách trong chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng là một sai lầm thường gặp (Ảnh: Internet)
Việc sử dụng khăn sữa, băng gạc hoặc tăm bông chấm vào nước muối sinh lý để làm vệ sinh răng miệng là một sai lầm phổ biến trong chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng. Hành động này có thể vô tình làm vỡ các nốt phỏng làm tình trạng viêm loét trong miệng càng nặng thêm. Việc đưa khăn sữa vào miệng cũng có nguy cơ đẩy vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, để làm sạch miệng cho trẻ, hãy để trẻ uống nhiều nước và tự súc miệng bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy và sau mỗi bữa ăn. Cơ chế tự làm sạch của cơ thể có thể loại bỏ vi khuẩn gây hại mà không cần tới những tác động từ bên ngoài.
Tay chân miệng ở thể thông thường là bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị tại bệnh viện. Do đó, khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng tại nhà, cha mẹ cần chú ý tới việc giữ các vết thương trên da sạch sẽ, vệ sinh cơ thể 1 lần/ngày và không cần bôi thuốc.
Sử dụng thuốc hạ sốt kết hợp với các phương pháp hạ nhiệt vật lý cho trẻ trong cơn sốt (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, bệnh còn thường kèm theo các cơn sốt nhẹ dưới 38,5 độ C. Lúc này, cha mẹ cần cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt, kết hợp với các phương pháp hạ nhiệt vật lí như chườm mát, lau người bằng nước ấm,... Lưu ý là không nên mặc quần áo quá dày hoặc quá mỏng, khiến cơ thể không thể thoát mồ hôi hay dễ bị nhiễm lạnh.
Theo các chuyên gia, việc truyền nước thường chỉ được sử dụng trong các trường hợp trẻ có biểu hiện mất nước nặng, nôn mửa, sốt cao, tiêu chảy,... Ngoài ra, việc truyền nước cũng chỉ nên được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ theo từng trường hợp cụ thể,
Như vậy, đối với những trường hợp bệnh nhẹ được điều trị tại nhà, cha mẹ chỉ cần bù nước, bổ sung vitamin C và tăng cường chất đề kháng cho trẻ bằng các loại đồ uống như oresol, nước cam, nước dừa, nước ép trái cây hoặc các loại sinh tố. Ngoài ra, việc bổ sung thực phẩm chứa vitamin A cũng rất quan trọng để rút ngắn thời gian phục hồi của trẻ.
Không nên lạm dụng truyền nước trong chăm sóc trẻ bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, các loại thực phẩm giàu kẽm cũng có khả năng tăng cường sức đề kháng của trẻ. Vi chất dinh dưỡng quan trọng này thường có trong các loại hải sản như hàu, ngao,... hoặc thịt gà, lòng đỏ trứng gà,...
Trẻ bị tay chân miệng cần được cách ly tới khi khỏi bệnh hoàn toàn (Ảnh: Internet)
Khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh cần lưu ý cách ly trẻ ít nhất 10 ngày. Với khả năng lây lan nhanh chóng của bệnh, việc cho trẻ tới trường virus chưa bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể là một nguy cơ làm bùng phát dịch tay chân miệng.