Những nguyên tắc về thực đơn cho bé ăn dặm các mẹ cần lưu ý

Những nguyên tắc về thực đơn cho bé ăn dặm các mẹ cần lưu ý
Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm và cách thức nấu nướng, hiểu rõ về những nguyên tắc về thực đơn cho bé ăn dặm cũng vô cùng quan trọng và cần thiết.

1. Tại sao cần cho trẻ ăn dặm?

Tuy rằng sữa mẹ có rất nhiều chất dinh dưỡng, dễ hấp thụ và dễ tiêu hóa đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi thì sữa mẹ lại không thể đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của bé. Do vậy, bổ sung bằng cách ăn dặm sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn, tránh còi xương, thiếu máu, chậm lớn...

Không nhất thiết phải từ tháng thứ 6 trở đi trẻ mới có thể ăn dặm. Các bậc phụ huynh cũng có thể bắt đầu nghiên cứu về thực đơn cho bé ăn dặm khi trẻ đủ các điều kiện như:

- Trẻ có thể giữ đầu ổn định ở tư thế thẳng, không cần sự trợ giúp.

- Trẻ có thể ngồi thẳng (người lớn có thể hỗ trợ) để giúp trẻ nhai, nuốt đúng cách.

- Biết nhai, nuốt thức ăn bằng nướu.

- Cơ thể trẻ đạt trọng lượng gấp đôi so với lúc mới sinh.

- Trẻ tỏ ra thích thú, tò mò về các loại thức ăn và có nhu cầu ăn nhiều hơn dù đã cho bú từ 8 đến 10 lần mỗi ngày.

2. Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm

Tuy rằng ăn dặm là rất cần thiết với trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi. Các bậc phu huynh cũng nên lưu ý rằng sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ ở giai đoạn này. Do vậy mẹ cần tiếp tục cho bé bú sữa đồng thời với ăn dặm để đảm bảo sự hấp thụ dinh dưỡng ở trẻ.

Hệ tiêu hóa của trẻ ở độ tuổi này vẫn còn yếu và đang được hoàn thiện. Do vậy nên chuẩn bị những loại thức ăn mềm và dễ tiêu hóa, tránh thức ăn đặc và rắn. Nên bắt đầu ăn dặm với những thức ăn được xay hoặc nghiền mịn để trẻ có thể nuốt dễ dàng, tránh bị hóc trong quá trình ăn dặm

Những nguyên tắc về thực đơn cho bé ăn dặm các mẹ cần lưu ý - Ảnh 2.

Nên cho bé ăn dặm những thức ăn được xay nhuyễn và nghiền mịn (Ảnh: Internet)

Nguyên tắc khi nấu đồ ăn dặm cho bé là không cần bất kì một gia vị nào. Không cho thêm muối hay nước mắm, hạt nêm vào đồ ăn dặm của trẻ. Thời điểm bắt đầu nên sử dụng bột gạo đã được nghiền và lọc thật mịn để nấu bột và nấu thật loãng. Sau đó mới tăng dần độ đặc sao cho phù hợp với khả năng của từng trẻ.

Khi đã làm quen dần với cháo, thực đơn ăn dặm của bé có thể bổ sung các loại rau củ như bí đỏ, khoai lang, khoai tây, cà rốt, rau xanh…được nghiền nhuyễn. Mẹ cũng có thể ép rau củ lấy nước sau đó dần dần thêm các loại cá, thịt nạc, tôm, trứng,... Mỗi lần chỉ cho bé ăn một loại thức ăn mới và tăng dần số lượng để có thể tiếp nhận các mùi vị thực phẩm khác nhau..

3. Thực đơn cho bé ăn dặm cần có những gì?

Thực đơn khi bắt đầu chỉ nên sử dụng các loại ngũ cốc. Sau khi đã quen dần có thể bổ sung đa dạng các loại thực phẩm cung cấp nhiều loại dinh dưỡng hơn. Các chất dinh dưỡng mà cơ thể trẻ cần được bổ sung trong quá trình ăn dặm bao gồm sắt, canxi, vitamin A, C, D và các acid béo Omega-3.

Ngoài ra thực đơn cho bé bắt đầu ăn dặm cần có đủ các nhóm thực phẩm sau đây:

- Ngũ cốc. Trẻ có thể bắt đầu ăn dặm bằng bột gạo hoặc cháo nấu loãng. Ngoài ra các bậc phụ huynh cũng có thể sử dụng các loại bột được chế biến sẵn và có bán ở bên ngoài.

Những nguyên tắc về thực đơn cho bé ăn dặm các mẹ cần lưu ý - Ảnh 3.

Cháo hoặc bột nấu loãng nghiền mịn có thể dùng cho trẻ mới bắt đầu ăn dặm (Ảnh: Internet)

- Chất đạm. Bổ sung chất đạm cho trẻ vào thời gian đầu nên là dùng nước luộc thịt để nấu cháo. Sau khi trẻ đã quen dần thì có thể ăn cháo thịt xay nhuyễn.

- Lượng kẽm và sắt cần thiết có nhiều trong thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm, cá, lòng đỏ trứng,...

- Chất béo: 1 thìa café dầu ăn là đủ cho trẻ ăn dặm ở giai đoạn 6 tháng tuổi. Điều này là do chất béo đã có sẵn trong các loại thực phẩm ăn dặm đi kèm như thịt, tôm, trứng gà.. nên không cần bổ sung quá nhiều.

- Trái cây: Để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, có thể cho bé ăn thử các loại trái cây mềm như chuối, quýt hoặc uống nước ép táo, lê…

- Rau củ quả. Để bổ sung chất xơ, phụ huynh nên xay nhuyễn các loại rau như rau ngót, củ cải, cà rốt, bí ngô, rau cải,... để nấu cùng cháo.

4. Lưu ý khi cho trẻ ăn dặm

Bên cạnh các nguyên tắc cần nắm rõ khi chế biến thực đơn cho trẻ ăn dặm, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý đến những điều sau đây:

- Thường xuyên thay đổi thực đơn, kết hợp nhiều loại thức ăn để cung cấp đầy đủ dưỡng chất và giúp bé không bị ngán.

- Sử dụng thực phẩm sạch, tránh các thực phẩm bị nhiễm khuẩn hay gần hết hạn sử dụng.

- Cho trẻ ăn từng chút một, từ ít tới nhiều dần dần để trẻ làm quen.

- Khi thử thức ăn mới, cần kiểm tra nguy cơ dị ứng và khả năng tiêu hóa của trẻ.

- Tần suất ăn dặm 2 bữa mỗi ngày là hợp lý.

- Cần kết hợp với bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức để đáp ứng nhu cầu của trẻ.

- Nên kết hợp rau củ quả, thịt với bột ăn dặm.

- Không nên cho trẻ ăn quá nhiều cá, thịt cùng một lúc.

- Các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt bò, cá thịt đỏ,... chỉ phù hợp với trẻ từ 7 tháng tuổi trở lên.

- Thời gian giữa các bữa ăn nên cố định và cách xa nhau để tạo thành thói quen ăn uống. Tùy vào thể trạng của từng trẻ mà đưa ra chế độ ăn dặm phù hợp.


Tác giả: Anh Dũng