Những nguyên tắc cơ bản khi vệ sinh răng miệng để phòng tránh ung thư thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những nguyên tắc cơ bản khi vệ sinh răng miệng để phòng tránh ung thư thực quản
Các loại vi khuẩn tồn tại trong khoang miệng có thể nguyên nhân gây nên bệnh ung thư thực quản. Vệ sinh răng miệng là một trong những cách đơn giản nhất để phòng tránh căn bệnh này.

Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp bạn bảo vệ sức khỏe răng miệng cũng như một số căn bệnh, trong đó có ung thư thực quản. Cùng tìm hiểu về cách vệ sinh răng miệng giúp phòng tránh bệnh ung thư thực quản trong bài viết sau.

Theo trường Đại học New York (Hoa Kỳ) thì việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày có thể làm giảm hơn 20% nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản.

Các loại vi khuẩn có liên quan đến bệnh ung thư thực quản bao gồm Tannerella forsythia và Porphyromonas gingivalis. Các vi khuẩn miệng này đặc biệt phổ biến hơn ở bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến thực quản. Chúng thường xuất hiện tại các môi trường như nướu, răng, amidan, lưỡi, má và vòm miệng. 

Do đó, việc vệ sinh răng miệng đúng cách, bao gồm chải răng thường xuyên và sử dụng chỉ nha khoa có thể giảm thiểu các loại vi khuẩn miệng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm giảm nguy cơ gây bệnh ung thư thực quản.    

1. Các bước vệ sinh răng miệng để phòng tránh ung thư thực quản

Vệ sinh răng miệng là công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng. Để vệ sinh răng miệng đúng cách, các bạn có thể tham khảo các bước sau:

Bước 1: Súc miệng với nước để làm sạch khoang miệng.

Bước 2: Cho một lượng kem vừa đủ lên bàn chải, không nên cho quá nhiều hoặc quá ít kem đánh răng.

Bước 3: Đặt bàn chải nằm ngang và nghiêng 45 độ so với viền nướu, đầu lông bàn chải tiếp xúc với răng và nướu. Chải mặt ngoài của hàm trên và hàm dưới bằng cách chải từ hàm trên xuống và từ hàm dưới lên hoặc xoay tròn bàn chải.

Bước 4: Chải mặt trong của răng giống như mặt ngoài. Chải các răng ở hàm trên và hàm dưới bằng động tác lên, xuống hoặc xoay tròn.

Bước 5: Đặt lông bàn chải song song với mặt nhai của răng, sau đó di chuyển bàn chải từ trong ra ngoài khoảng 10 lần.

Bước 6: Làm sạch mặt trên của lưỡi bằng bàn chải hoặc dụng cụ chải lưỡi chuyên dụng.

Bước 7: Súc miệng với nước để làm sạch vi khuẩn và bọt kem đánh răng còn sót lại trong khoang miệng.

2. Những nguyên tắc cơ bản khi vệ sinh răng miệng

Lựa chọn loại bàn chải phù hợp: Bàn chải thường được thiết kế với nhiều kích thước và cấu tạo lông bàn chải khác nhau. Việc lựa chọn bàn chải lông cứng có thể gây mòn men răng và chảy máu chân răng. Trong khi đó, các loại bàn chải có kích thước quá bé lại không thể loại bỏ hết vi khuẩn. Do đó, các bạn nên chọn những loại bàn chải có lông mềm và kích thước phù hợp với khoang miệng của mình.

Vệ sinh răng miệng theo quy tắc 2 phút và 30 giây: Theo khuyến nghị, thời gian cần thiết cho việc vệ sinh răng miệng là 2 phút. Trong thời gian 2 phút bạn cần làm sạch cho 4 khu vực bên trong khoang miệng bao gồm hàm trên bên trái, hàm trên bên phải, hàm dưới bên trái, hàm dưới bên phải. Tại mỗi khu vực, các bạn nên vệ sinh theo thứ tự: mặt trước, mặt trong và nhai.

Súc miệng thật sạch: Việc súc miệng phải được thực hiện cả trước và sau khi chải răng. Trước khi chải răng, súc miệng sẽ có tác dụng làm mềm mảng bám và loại bỏ bớt vi khuẩn ra khỏi khoang miệng. Khi đã chải răng xong, việc súc miệng sẽ đưa phần vi khuẩn còn lạị trong khoang miệng ra bên ngoài. Ngoài ra, súc miệng còn giúp loại bỏ phần kem đánh răng đã sử dụng cân bằng lượng axit trong miệng.

Thay bàn chải định kì: Bàn chải cần được thay mới sau 3 tháng sử dụng dù chúng không hề bị hư hỏng. Bởi sau một quá trình sử dụng, vi khuẩn có thể tích tụ trên bề mặt của bàn chải. 

Rửa và phơi bàn chải: Sau khi sử dụng, các bạn nên vệ sinh thật kỹ để tránh kem đánh răng sót lại trên bàn chải. Bàn chải cũng nên được phơi khô và tránh môi trường ẩm ướt như nhà tắm hoặc nhà vệ sinh.

Kiểm tra sức khoẻ răng miệng thường xuyên: Thường xuyên kiểm tra sức khoẻ răng miệng tại các bệnh viện nha khoa là thói quen cần thiết. Việc kiểm tra định kỳ này sẽ giúp bạn phát hiện được những triệu chứng bất thường của răng miệng và dấu hiệu sớm của bệnh ung thư thực quản.

Vệ sinh răng miệng là một cách hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản. Hãy quan tâm đến sức khoẻ răng miệng của mình hơn bằng cách chăm sóc và vệ sinh đúng cách nhé!


Tác giả: Thùy Dung