Bên cạnh điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư xương đúng cách có vai trò vô cùng quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Chăm sóc bệnh nhân ung thư xương đúng cách sẽ giúp:
- Bệnh nhân có tâm lý thoải mái hơn với bệnh tình, chấp nhận tình trạng của bản thân, lạc quan và tin tưởng hơn vào giá trị của cuộc sống.
- Tăng cường thể chất cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân đáp ứng tốt hơn đối với các phương pháp điều trị.
- Giảm nhẹ các biểu hiện của bệnh lý giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống được cải thiện.
- Giảm nhẹ các tác dụng phụ do điều trị trên bệnh nhân.
- Hỗ trợ bệnh nhân vượt qua các bất tiện do bệnh và những phương pháp điều trị để lại giúp bệnh nhân có cuộc sống tốt hơn.
Những bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc ung thư xương hay bất kỳ loại ung thư nào đều có diễn biến tâm lý thay đổi rất đa dạng. Bệnh nhân có thể có nhiều trạng thái tâm lý khác nhau có thể là sợ hãi, thất vọng, chán chường, lo lắng, chối bỏ sự thực, hay thậm chí có những tâm lý cực đoan như tuyệt vọng hay có ý muốn tự làm tổn hại bản thân,...
Do đó, khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương, cần đảm bảo chăm sóc tốt tâm lý cho người bệnh. Hãy để người bệnh có cơ hội nói lên cảm xúc, ý kiến và thắc mắc của mình đối với tình trạng bệnh, cho người bệnh cảm giác an toàn luôn có người thân ủng hộ phía sau.
Ngoài ra, hãy để bệnh nhân được biết rõ về tình trạng của mình và được tham gia lựa chọn phương pháp điều trị.
Người bệnh ung thư nói chung và ung thư xương nói riêng đều có hiện tượng sụt giảm thể chất rất nhanh chóng. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, kể đến như sự cạnh tranh dinh dưỡng của khối u, hay hậu quả của những phương pháp điều trị được sử dụng để lại như hóa trị và xạ trị làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Thể chất kém không những làm người bệnh không đủ sức chống chọi với bệnh mà còn khiến bệnh nhân đáp ứng kém hơn đối với các phương pháp điều trị, thậm chí không thể thừa nhận gánh nặng điều trị. Do vậy khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương cần đảm bảo chăm sóc tốt thể chất của bệnh nhân.
Bệnh nhân cần được bổ sung nhiều hơn các loại chất dinh dưỡng, sử dụng các thực phẩm giàu calci (tốt nhất nên thực hiện khẩu phần ăn theo các khuyến cáo mà bác sĩ điều trị đã đưa ra), phơi nắng thường xuyên, luyện tập thể chất với cường độ thích hợp,...
Tránh vì kiêng khem quá mức theo các lời khuyên không căn cứ mà khiến cơ thể không đủ dinh dưỡng và trở nên suy kiệt.
Đau luôn là một trong những nỗi ám ảnh với bệnh nhân ung thư xương, những cơn đau đôi khi khiến bệnh nhân không thể chịu đựng được. Do vậy, khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề giảm đau cho bệnh nhân.
Nên giúp bệnh nhân ung thư xương giảm đau bằng các phương pháp mà bác sĩ đã khuyến cáo và hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, người nhà cũng nên động viên người bệnh để giúp họ có động lực vượt qua các cơn đau. Nếu các biện pháp giảm đau không dùng thuốc có hiệu quả, khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương nên khuyến khích bệnh nhân sử dụng các biện pháp này để giảm đau.
Bệnh nhân ung thư xương do biến chứng của bệnh (chèn ép thần kinh, vận động khó khăn) hay do các tác dụng không mong muốn sau điều trị (mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn cảm giác,...) có thể sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt đối với những bệnh nhân phải đoạn chi để điều trị, những vấn đề này sẽ càng lớn hơn.
Do vậy, người nhà khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương cần phải giúp đỡ bệnh nhân để bệnh nhân có thể sinh hoạt hằng ngày tốt hơn. Không nên tỏ ra cảm thấy phiền toái khi giúp đỡ bệnh nhân, vì điều này sẽ làm bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng và trở thành gánh nặng cho người xung quanh.
Trên đây là một số nguyên tắc cơ bản mà người nhà bệnh nhân cần chú ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư xương để giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.