Những nguyên tắc cách ly khi bị tay chân miệng có thể bạn chưa biết

Những nguyên tắc cách ly khi bị tay chân miệng có thể bạn chưa biết
Đối mặt với căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao trong cộng đồng và chưa có vaccine phòng bệnh, việc cách ly khi bị tay chân miệng là vô cùng cần thiết.

Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh khá lành tính và thường sẽ tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách và không cần điều trị y tế.

Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng có thể lây lan nhanh trong cộng đồng và bùng phát thành dịch. Do vậy việc nắm bắt các nguyên tắc cách ly khi bị tay chân miệng là vô cùng cần thiết để hạn chế lây nhiễm một cách tối đa.

1. Cơ chế lây lan của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus thuộc họ Enterovirus, nổi bật là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Người mắc bệnh do virus Coxsackievirus A16 có thể tự khỏi sau một thời gian nghỉ ngơi. Ngược lại người mắc tay chân miệng do virus Enterovirus 71 có nguy cơ tử vong rất cao.

Tay chân miệng có thể truyền từ người này sang người khác thông qua dịch tiết mũi họng, các chất lỏng tiết ra từ mụn nước và phân. Bệnh có thể lây lan từ người sang người qua:

- Hít thở không khí có chứa dịch tiết sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.

- Chạm vào người bệnh hoặc hôn, ôm, hay dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống.

- Bơi cũng có thể là một yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu nước trong hồ không được xử lý đúng cách.

Hiểu rõ những cơ chế lây lan của bệnh tay chân miệng sẽ giúp mọi người nhận thấy được sự cần thiết của việc cách ly khi bị tay chân miệng. Từ đó giảm thiểu tối đa khả năng bùng phát dịch trong cộng đồng.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở trẻ em (Ảnh: Internet)

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở trẻ em (Ảnh: Internet)

2. Nguyên tắc cách ly khi bị tay chân miệng

2.1. Đối với trẻ nhỏ đang đi học mẫu giáo, nhà trẻ

Nếu trẻ mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh tuyệt đối không để trẻ đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Trẻ chỉ nên đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước đã lặn hoàn toàn.

Đặc biệt, khi trong lớp xuất hiện từ 2 trẻ trở lên bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, nhà trường cần cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.

Các thầy, cô giáo hay người hướng dẫn tại nhà trẻ cần phải theo dõi tình trạng của trẻ một cách thường xuyên. Chú ý nếu thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện như sốt, loét miệng, phỏng nước cần thông báo cho gia đình và cơ sở y tế để cách ly, khử trùng kịp thời.

=>> Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm thông tin về bệnh tay chân miệng có thể bùng phát tại ĐÂY!:

2.2. Với các đối tượng khác mắc bệnh tay chân miệng

Người bệnh tay chân miệng cần được cách ly triệt để. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để virus lây lan ra ngoài môi trường.

Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn thường xuyên trước và sau khi nấu ăn, sau khi đi vệ sinh và đặc biệt là sau khi thay tã cho trẻ nhỏ bị bệnh.

Đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người khác trong suốt thời gian mắc bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người khác trong suốt thời gian mắc bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Các dụng cụ, vật dụng được sử dụng hằng ngày cũng cần được rửa sạch bằng xà phòng diệt khuẩn, sau đó lau bằng chloramin B 2% để tránh virus bám và lây lan cho người khác. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc,... cần ngâm và tráng nước sôi trước khi dùng.

Khi người bệnh vẫn còn triệu chứng của bệnh tay chân miệng như sốt, mụn nước,... tuyệt đối không tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông người khác như đi học, đi bơi,... Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để có thông báo cho cơ quan y tế xử lý, điều trị.

Ngoài ra, khi có tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân, cần mang găng tay dùng một lần và gói kỹ, vứt vào thùng rác cẩn thận sau khi sử dụng. Mang trang phục phòng hộ cá nhân khi làm những thủ thuật trên bệnh nhân có nguy cơ tạo giọt bắn tới niêm mạc.

Cần lưu ý các tình trạng của bệnh nhân và người thân trong gia đình, khi có biểu hiện sốt, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối, niêm mạc miệng. Đặc biệt kèm theo biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao lớn hơn 39,5 độ C, thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.


Tác giả: Anh Dũng