Những nguy hại của việc thừa natri khi mang thai

Những nguy hại của việc thừa natri khi mang thai
Cũng như các chất dinh dưỡng khác, bà bầu cần nhiều natri hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu thừa natri khi mang thai có thể gây hại cho cả mẹ và bé.

 

1. Tại sao natri quan trọng với bà bầu?

Natri giúp dây thần kinh, cơ bắp và các cơ quan hoạt động bình thường trong thai kỳ.

- Khi mang thai, chất lỏng của cơ thể tăng lên để hỗ trợ em bé đang lớn, và natri đóng vai trò quan trọng là giữ và cân bằng chất lỏng.

- Natri làm giảm nguy cơ tử vong thai nhi, giảm nguy cơ trẻ sinh ra bị nhẹ cân.

2. Tác hại của việc thừa natri khi mang thai

- Cơ thể giữ nước và phù nề

Sưng phù ở ở bàn chân, mắt cá chân, chân và bàn tay được coi là một triệu chứng bình thường của thai kỳ. Nó xảy ra vì cơ thể bạn đang tăng giữ chất lỏng, điều này rất cần thiết cho sự phát triển của em bé, đặc biệt là trong những tuần cuối của thai kỳ.

Ăn quá nhiều muối có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phù ở bà bầu. Vì vậy, nếu cảm thấy tình trạng sưng phù nghiêm trọng, bạn cần xem xét giảm ăn mặn để tránh thừa natri khi mang thai

- Suy giảm chức năng thận

Một nghiên cứu được công bố trên "Tạp chí Sinh lý học Hoa Kỳ - Sinh lý thận" năm 2011 cho thấy, thừa natri khi mang thai có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Những bà mẹ có lượng natri cao trong máu dễ bị tăng huyết áp và có thận kém phát triển.

- Mất canxi và tiền sản giật

Lượng natri cao làm tăng lượng canxi bài tiết của cơ thể. Theo Viện Linus Pauling, cứ 2,3 gram natri được thận lọc ra, thì có khoảng 24 đến 40 miligam canxi bị hòa tan trong nước tiểu để bài tiết ra ngoài cơ thể. Do vậy, thừa natri khi mang thai làm giảm canxi, dẫn đến tăng huyết áp. 

Đây là loại huyết áp cao có thể dẫn đến sự phát triển của tiền sản giật. Tiền sản giật là 1 tình trạng nguy hiểm, có thể tiến triển thành co giật và sinh non.

- Viêm nhiễm vùng miệng

Thừa natri khi mang thai làm giảm bài tiết nước bọt, khiến cho vi khuẩn có cơ hội sinh sôi nảy nở. Đây là lý do các bà bầu thường hay bị viêm họngviêm niêm mạc miệng, dễ mắc các bệnh nha chu, viêm nướu.

Ngoài ra, thừa natri khi mang thai còn khiến bà bầu bị mất nước, tim loạn nhịp, đau đầu, mệt mỏi,... ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng và thể chất của mẹ và bé.

3. Bà bầu cần bao nhiêu natri là đủ?

Khi mang thai, nhiều hormone cao hơn bình thường. Một loại hormone đặc biệt ảnh hưởng đến natri bên trong cơ thể bạn; đó là progesterone. Nồng độ progesterone cao làm tăng natri trong nước tiểu, điều này có nghĩa là tăng đào thải natri, cơ thể có nguy cơ bị thiếu natri. Giảm lượng natri có thể dẫn đến mất cân bằng chất lỏng, làm gián đoạn sức khỏe của mẹ và bé. Do vậy, bà bầu cần lượng nhiều natri hơn bình thường.

Thông thường, cơ thể mỗi người cần trung bình từ 1000 - 2000mg natri mỗi ngày. Ở bà bầu, nhu cầu natri có thể tăng lên gấp đôi, khoảng 2000 - 4000mg natri mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn không cần thiết phải bổ sung muối qua chế độ ăn uống để tránh tình trạng thừa natri khi mang thai. Bởi khi có thai, nhu cầu ăn uống của bạn cũng tăng lên, lượng thức ăn nhiều hơn, lượng natri có thể đủ cho cơ thể của bạn.

Mặc dù bạn không cần tăng lượng muối ăn để tránh nguy cơ thừa natri khi mang thai, nhưng cũng không nên hạn chế nó trong các bữa ăn hàng ngày. Một chế độ ăn uống cân bằng, đều đặn đủ để cung cấp natri cho cả bạn và em bé.

Chúng ta bổ sung natri cho cơ thể chủ yếu qua muối ăn. Bà bầu nên sử dụng muối được bổ sung thêm thành phẩn iot. Iot là khoáng chất góp phần vào sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của thai nhi. Thiếu iốt khi mang thai còn có thể dẫn đến thai chết lưu, phát triển não bất thường, sảy thai và các biến chứng y tế khác.

Nguồn dịch: https://www.livestrong.com/article/528692-harmful-effects-of-table-salt-on-pregnant-women/


Tác giả: Mai Nhung