Mùa thu cơ thể dễ bị dị ứng do các tác nhân từ nhiệt độ, nấm mốc, phấn hoa, ... Một số triệu chứng dị ứng như sổ mũi, mẩn ngứa, chảy nước mắt, ngứa mắt mũi, ... Dị ứng và mùa thu có thể do một số bệnh như viêm mũi dị ứng, mày đay, ... Vậy khi bị dị ứng mùa thu nên tránh những thực phẩm nào? Làm gì để phòng ngừa dị ứng?
Theo Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Hoa Kỳ (AAFA) (1), khi bạn đang đối phó với dị ứng theo mùa, hệ thống miễn dịch của bạn đang cố gắng chống lại một chất mà cơ thể bạn bị nhạy cảm bằng cách giải phóng histamin, dẫn đến các triệu chứng khó chịu. Những chất gây kích ứng này có thể bao gồm các loại nấm mốc, phấn hoa và cỏ dại. Tất cả đều xuất hiện vào cuối mùa hè và mùa thu.
Các loại phấn hoa có mặt tại rất nhiều nơi, khu vực nhà ở, công viên, đường xá, ... Nấm mốc phát triển mạnh ở những khu vực ẩm ướt trong nhà như tầng hầm, phòng tắm và nhà bếp. Vì vậy, các bạn nên lưu ý những khu vực này để phòng ngừa khả năng bị dị ứng, nhiễm bệnh.
Đọc thêm:
- Mề đay mùa thu là bệnh dị ứng phổ biến: nguyên nhân là gì và phòng tránh như thế nào?
- Nguy cơ mắc bệnh hen suyễn dị ứng mùa thu và cách phòng ngừa bệnh tái phát
Các triệu chứng dị ứng mùa thu phổ biến như sổ mũi, chảy nước mắt, hắt xì, ho khan, ngứa mắt và mũi, nhức đầu, ngứa họng … Một số triệu chứng dị ứng mùa thu dễ nhầm lẫn với cảm cúm, cảm lạnh hay Covid-19. Tuy nhiên, các triệu chứng dị ứng có xu hướng liên quan đến "triệu chứng ngứa" trong khi cảm lạnh và cúm thường được biểu thị bằng đau nhức cơ thể. Các bạn có thể đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác, như vậy sẽ có hướng điều trị phù hợp.
Dị ứng mùa thu không phòng ngừa được hoàn toàn nhưng sẽ giảm khả năng mắc bệnh khi bạn có một chế độ ăn uống phù hợp. Đặc biệt, nên tránh một số thực phẩm như:
- Thực phẩm giàu đạm như hải sản, sữa, trứng, bơ thịt đỏ,… Những loại thực phẩm này dễ gây kích ứng da, khiến tình trạng nổi đỏ toàn thân, khó thở, ngứa ngáy do dị ứng thời tiết trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đậu phộng: Loại đậu này có chứa thành phần chính là Albumin và Vicilin, có thể gây dị ứng mạnh nên mọi người nên hạn chế.
- Món ăn cay nóng: Nhiều người có thói quen ăn cay, giúp kích thích vị giác, ăn ngon miệng hơn, đôi khi giữ ấm cơ thể trong những ngày thời tiết lạnh giá. Nhưng việc ăn cay sẽ khiến tình trạng dị ứng thời tiết trở nên nghiêm trọng hơn. Ăn cay nóng sẽ làm tăng thân nhiệt và kích thích phản ứng dị ứng.
- Thực phẩm lạnh: Những người bị dị ứng theo mùa nên kiêng thực phẩm lạnh. Vì loại đồ ăn này sẽ làm hoạt động lưu thông máu bị hạn chế, gan giải độc kém hơn khiến chất độc tích tụ trong cơ thể và khiến dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thực phẩm lên men như cà pháo, dưa muối, cải chua,… không phù hợp cho những người thường bị dị ứng vào mùa thu. Nếu đang bị dị ứng, việc ăn quá nhiều loại thực phẩm lên men sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
Một trong những cách phòng ngừa dị ứng mùa thu hiệu quả là tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi cơ thể khoẻ mạnh sẽ chống lại được nhiều bệnh tật. Sau đây là những thực phẩm nên bổ sung để phòng ngừa cũng như làm giảm các triệu chứng nếu như đang bị dị ứng thời tiết:
- Vitamin C: Loại vitamin này có thể cắt giảm histamine - chất trong cơ thể gây ra nhiều triệu chứng dị ứng như hắt hơi và sổ mũi. Bạn có thể bổ sung vitamin C từ nhiều loại thực phẩm, cụ thể là các loại trái cây có múi như cam, bưởi,ổi, … bạn có thể làm thành nước ép để dễ uống trong ngày.
Lưu ý, bưởi có thể tương tác với một số loại thuốc nên cần hỏi ý kiến của bác sĩ khi đang sử dụng thuốc điều trị.
- Bromelain: Là một loại enzym có thể giúp giảm sưng. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất này có thể làm dịu tình trạng tắc nghẽn xoang. Bromelain có nguồn gốc từ cây dứa, bạn có thể ăn dứa nếu thường xuyên bị dị ứng thời tiết.
- Magie: Một khoáng chất phổ biến, có thể giúp bạn thở dễ dàng hơn. Những người bị hen suyễn thường có lượng magie thấp. Một số nghiên cứu cho thấy việc tiêm tĩnh mạch có thể giúp giảm các cơn hen suyễn nghiêm trọng. Các loại hạt là nguồn cung cấp magie tuyệt vời. Hạnh nhân, hạt điều và đậu phộng cũng tương đối giàu magie.
- Vitamin D: Không những tốt cho xương mà có thể giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng và hen suyễn. Những người bổ sung vitamin D hàng ngày sẽ ít triệu chứng dị ứng hơn. Hải sản như cá kiếm, cá hồi và cá ngừ, … là những thực phẩm giàu vitamin D mà bạn có thể lựa chọn.
- Gingerol: Có trong gừng tươi, có thể giúp làm khô chất nhờn để bạn cảm thấy bớt nghẹt thở khi bị dị ứng. Gingerol có trong gừng tươi nhiều hơn gừng khô, vì vậy bạn nên ăn gừng tươi nhiều hơn. Cách ăn gừng tươi dễ nhất khi kết hợp với các thực phẩm khác.
- Quercetin: Là chất chống oxy hoá có nhiều trong thực vật, có tác dụng ngăn chặn histamine. Táo, tất cả các loại quả mọng và ớt chứa nhiều chất dinh dưỡng này.
- EGCG: Là một hợp chất có thể giúp giảm bớt các triệu chứng dị ứng. Chất này được tìm thấy trong trà xanh. Uống trà có thể làm dịu những cơn sụt sịt và nghẹt mũi, rất tốt cho những người thường bị dị ứng với mùa thu.
- Nghệ: Là một loại gia vị thường có trong căn bếp của mọi gia đình. Nghệ có chứa chất curcumin, có thể ngăn chặn histamine, giúp giải quyết tắc nghẽn.
- Axit béo omega-3: Có thể giúp giảm nghẹt mũi và sưng mũi. Cá béo như cá hồi, cá thu và cá ngừ có nhiều omega-3. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đề nghị ăn ít nhất hai khẩu phần cá này mỗi tuần.
- Probiotics: Là vi khuẩn tốt cho hệ tiêu hoá, những người bị dị ứng thời tiết . Men vi sinh có trong những thực phẩm lên men như kim chi, dưa cải bắp, sữa chua, …
Ngoài chế độ dinh dưỡng, một số mẹo sau sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bị dị ứng mùa thu cũng như các bệnh hô hấp, truyền nhiễm:
- Ở trong nhà đóng cửa và cửa sổ khi phấn hoa ở mức cao nhất (thường vào sáng muộn hoặc giữa trưa). Kiểm tra số lượng phấn hoa trong khu vực của bạn
- Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, phòng ngừa nấm mốc phát triển gây bệnh, đặc biệt là những khu vực ẩm ướt như: nhà vệ sinh, bếp, tầng hầm, ...
- Sử dụng máy hút ẩm để giữ cho không khí của bạn có độ ẩm từ 35% đến 50%.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là khu vực nhiều lá rụng, phấn hoa.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khoẻ, giúp cơ thể dẻo dai, săn chắc hơn.
- Giặt quần áo, khăn trải giường và rèm cửa thường xuyên. Không nên phơi quần áo gần khu vực có nhiều cây cối, nhất là có các loại hoa dễ gây dị ứng.
Đối với nhiều người, dị ứng mùa thu có thể được kiểm soát bằng thuốc chữa dị ứng không kê đơn hoặc kê đơn có chứa kháng histamine. Chúng thường ở dạng thuốc viên, viên ngậm, thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc xịt mũi. Để đảm bảo an toàn, các bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán tình trạng bệnh và dùng theo đơn thuốc.
Ngoài ra, các bạn có thể dùng nước muối sinh lý để làm giảm các triệu chứng dị ứng đối với đương hô hấp như ho, sổ mũi, ngứa mắt, ...
Trên đây là những thực phẩm nên tránh khi bị dị ứng mùa thu cũng như các biện pháp giúp bạn phòng ngừa bệnh. Để có một mùa thu khoẻ mạnh, điều không thể thiếu là ăn uống đầy đủ, thể dục thường xuyên, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ... Nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, nên đến bệnh viện để được tư vấn và có hướng điều trị.
Nguồn tham khảo:
- Common Fall Allergens & How to Fight Them
- These 7 Foods Might Help Alleviate Seasonal Allergy Symptoms
- 10 Foods That May Curb Seasonal Allergies