Ở những giai đoạn đầu mắc bệnh Alzheimer, mọi người thường chỉ chú ý đến việc giữ bệnh nhân sao cho an toàn và thoải mái. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn thì bạn sẽ phải chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn cuối đời của họ. Đây là công việc không dễ dàng, những gợi ý dưới đây có lẽ sẽ có ích cho bạn.
Lý tưởng nhất là bạn nên thảo luận với người thân bị Alzheimer ngay từ lúc họ còn đủ minh mẫn. Bạn nên xin ý kiến về nguyện vọng của họ, chẳng hạn như họ muốn được làm gì khi bản thân ở vào giai đoạn cuối của bệnh? Có muốn sử dụng sự chăm sóc y khoa đặc biệt trong những ngày cuối đời hay không?
Hãy đảm bảo rằng những ý kiến của họ sẽ được ghi lại, nếu cần hãy có thêm người chứng kiến để khi cần thiết đây sẽ là những hướng dẫn cho người thân và các nhân viên chăm sóc y tế khi người bệnh Alzheimer bước vào giai đoạn cuối hoặc chuyển địa điểm chăm sóc hoặc đến bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp.
Cần có sự chuẩn bị chu đáo khi chăm sóc người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối (Ảnh: Internet)
Khi bệnh Alzheimer tiến triển nặng hơn, người thân của bạn không chỉ mất khả năng giao tiếp, các kỹ năng sống tối thiểu mà còn phải chịu đựng sự đau đớn. Hãy tìm các dấu hiệu của tình trạng này, chẳng hạn như các hành vi gây rối diễn ra với tần suất dày đặc hơn hoặc rối loạn giấc ngủ; các dấu hiệu thực thể bao gồm cơn đau, sưng hoặc da tái nhợt. Hãy nói với các chuyên gia y tế để họ điều chỉnh kế hoạch điều trị nhằm đảm bảo sự thoải mái nhất cho người thân của bạn.
Cố kéo dài sự sống cho người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối sẽ khiến họ phải chịu thêm đau đớn (Ảnh: Internet)
Bạn cũng nên quyết định xem liệu việc kéo dài sự sống có ý nghĩa gì cho người thân của bạn hay không. Trong rất nhiều trường hợp, việc lọc huyết tương, cho ăn qua xông, sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn thực sự không cần thiết và chỉ kéo dài thêm sự đau đớn của người bệnh. Tốt nhất hãy để họ được ra đi trong sự thoải mái và yên bình.
Chăm sóc giảm nhẹ có thể được cung cấp ở các cơ sở y tế, cơ sở dưỡng lão. Đây là biện pháp kết hợp giữa các biện pháp y tế và chăm sóc tinh thần để giúp các triệu chứng bệnh được xoa dịu, giảm các cơn đau, giúp tinh thần người bệnh thoải mái, bảo vệ nhân phẩm và phẩm giá của người bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ chỉ dành cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng không thể sống quá 6 tháng.
Chăm sóc giảm nhẹ mang lại lợi ích cho người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối (Ảnh: Internet)
Mặc dù rất khó đế có thể dự đoán được giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer trong thời gian bệnh tiến triển, nhưng chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân Alzheimer trong thời gian này được coi là phù hợp.
Một số dấu hiệu cuối đời của bệnh nhân Alzheimer mà bạn cần lưu ý:
- Mất khả năng giao tiếp, nói chuyện, thể hiện ý muốn
- Không thực hiện được hoặc thậm chí là chỉ thể hiện được ý muốn về các hoạt động vệ sinh cá nhân như đại tiện, tiểu tiện...
- Không thể đi bộ được nữa
- Không thể nhấc được đầu lên
- Có ít nhất một biến chứng của việc mất trí nhớ như viêm phổi, nhiễm trùng hoặc sút cân.
Bạn hãy tìm hiểu sớm và cân nhắc có nên gửi người thân của bạn đến đó trong trường hợp cần thiết hay không vì điều này có thể mang lại lợi ích cho cả người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối và chính bạn nữa.
Ngay cả khi người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối không nhận ra bạn hoặc không thể nói chuyện với bạn được thì bạn vẫn có thể trấn an hoặc thể hiện sự yêu thương qua các cử chỉ. Hãy cố gắng kết nối với các giác quan của người bệnh để an ủi họ:
- Xúc giác: Nắm tay người thân và giữ lại một lúc, chải tóc hoặc nhẹ nhàng xoa bóp ở chân, tay và ngón chân của họ.
Một cái nắm tay cũng đủ để người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối cảm nhận được sự kết nối và tình yêu thương của bạn (Ảnh: Internet)
- Khứu giác: Hương thơm của lọai nước hoa quen thuộc, một bó hoa hay một món ăn ưa thích sẽ giúp người bệnh trở lên dễ chịu hơn.
- Thị giác: Bạn hãy cho người bệnh xem những clip có khung cảnh thiên nhiên êm đềm, những âm thanh êm dịu hoặc những khu vườn êm ả có tiếng chim hót. Hoặc đơn giản chỉ sự xuất hiện của bạn bên cạnh họ thôi cũng khiến họ cảm thấy thoải mái hơn.
- Thính giác: Đọc to một câu chuyện cho dù người thân của bạn không thể hiểu được câu chuyện đó nhưng âm điệu và giọng của bạn sẽ làm họ cảm thấy yên lòng hơn.
Giúp người bệnh Alzheimer có những giây phút nhẹ nhàng lúc cuối đời là một hành trình khó khăn. Khi bệnh tiến triển nặng hơn bạn sẽ có những lúc bối rối khi đưa ra những quyết định cho người thân của bạn. Một trong những điều quan trọng nhất là đảm bảo sự tôn trọng, phẩm giá và sự thoải mái trong những giờ phút cuối đời của bệnh nhân.
Trên đây là những gợi ý chăm sóc cho người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối. Mặc dù thật khó khăn nhưng bạn hãy vững vàng lên, chúng tôi tin bạn sẽ vượt qua được!