Viêm họng là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất phổ biến. Tình trạng viêm họng xảy ra khi niêm mạc họng bị viêm nhiễm và tổn thương. Theo thống kê, có tới 80% nguyên nhân gây viêm họng là virus, 20% do vi khuẩn, chất kích thích như ô nhiễm môi trường, hóa chất. Các thể viêm họng thường gặp gồm viêm họng cấp tính, mãn tính và viêm họng hạt.
Đối với những người từng bị bệnh viêm họng mãn tính, nhiều năm và bị tái phát lại nhiều lần thì mỗi khi thời tiết thay đổi như này thực sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Mặc dù bệnh không ở mức nghiêm trọng nhưng viêm họng khi chuyển mùa mang tính chất dai dẳng và phụ thuộc vào thời tiết sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi triền miên, khó chịu, dễ ảnh hưởng đến công việc và gây cản trở khi giao tiếp với mọi người, giảm chất lượng cuộc sống.
Bệnh viêm họng là loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất phổ biến do thời tiết thay đổi đột ngột. Viêm họng có 2 thể (viêm họng cấp và viêm họng mãn) và việc điều trị cũng khác nhau nhưng trong tất cả các trường hợp, người bệnh đều có những cảm giác chung là đau rát họng, gặp khó khăn khi nuốt, sốt, thường xuyên nhức đầu. Ngoài ra, viêm họng còn đi kèm với một vài triệu chứng như cảm lạnh, buồn nôn, đau mình mẩy, sưng amiđan và nổi hạch ở cổ…
Rất nhiều người, kể cả người lớn và trẻ em cũng mắc viêm họng khi chuyển mùa. Khi thời tiết chuyển đổi giữa nóng và lạnh, nhiệt độ và độ ẩm nhiều tạo điều kiện thuận lợi khiến cho các virus đường hô hấp sinh sôi, phát triển. Nhiều người có sức đề kháng yếu, cơ thể chưa kịp điều chỉnh thân nhiệt để thích nghi với khí hậu nên sẽ bị các virus này tấn công gây bệnh cảm cúm hay các bệnh về đường họng.
Ngoài việc mắc bệnh viêm họng khi chuyển mùa thì bệnh dễ tái phát lại còn có thể do người bệnh mắc các chứng bệnh mạn tính khác kèm theo như: viêm mũi xoang, viêm phế quản hoặc trào ngược dạ dày,...Một số yếu tố ngoại cảnh như môi trường làm việc hay phòng ngủ nhiều đồ dùng dễ gây bụi bẩn cũng có thể dẫn đến nguy cơ làm bệnh viêm họng dai dẳng, tái phát thường xuyên.
Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm họng thường là cảm giác khô nóng và rát trong họng, nuốt nói cảm thấy vướng, sau đó tăng lên thành đau trong họng, nói khó hoặc nuốt khó, ho khạc nhưng thường không có đờm mà chỉ ra ít nước nhầy. Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, sốt nhẹ ớn lạnh; hoặc sốt cao 38 - 39oC trong viêm cấp tính hoặc kèm theo viêm amidan, cúm nhiễm virus... Đây là những triệu chứng dễ gặp khi nguyên nhân gây bệnh viêm họng khi chuyển mùa của thời tiết.
Triệu chứng sổ mũi ngạt mũi, hắt hơi, nhức đầu, ù tai thường kèm theo ở trường hợp viêm họng do cúm, dị ứng thời tiết, do lạnh... Khám họng thấy: Toàn bộ hoặc một phần niêm mạc họng đỏ rực. Màn hầu, trụ trước, trụ sau và thành sau họng phù nề, đỏ thẫm. Ngoài ra còn có thể thấy: amidan viêm to, trên bề mặt amidan có chất nhầy trong. Khám các hạch vùng cổ dưới hàm có thể viêm tấy, đỏ, đau. Các triệu chứng trên có thể diễn biến 3 - 4 ngày rồi lui dần và mất đi do điều trị hoặc tự khỏi do sức để kháng của cơ thể.
Lời khuyên hữu ích giúp phòng bệnh viêm họng khi chuyển mùa thời tiết:
- Giữ ấm cơ thể (vùng cổ họng) vào ban đêm
- Hạn chế uống đồ lạnh, hút thuốc…
- Vệ sinh răng miệng và cổ họng sạch sẽ bằng cách dùng nước muối sinh lý vào sáng và tối
- Uống nhiều nước, ăn các loại trái cây giàu vitamin C,…để tăng cường sức đề kháng và tạo cơ chế miễn dịch tự nhiên cho cơ thể "đương đầu" với các loại virus hô hấp.
- Xông mũi bằng hơi nước ấm: Nếu bị đau họng, khô họng nhất là vào sáng sớm thì có thể hít nhiều hơi nước nóng hoặc nhỏ vào chậu nước nóng này 1 – 2 giọt dầu xanh, cách này giúp sát trùng cổ họng, xoa dịu các cơn đau rát.
- Một số các thực phẩm tại nhà có khả năng kháng khuẩn khác như tỏi, mật ong, gừng, lá húng chanh…Trong các loại thực phẩm này có khả năng tiêu diệt virus, giúp cơ thể bớt ho, long đàm loại bỏ nguy cơ mắc bệnh cảm cúm, viêm họng.