Những điều cần biết trước khi sử dụng các dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết

Những điều cần biết trước khi sử dụng các dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết
Phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian nên việc lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe là lo lắng không có cơ sở.

Tâm lý người dân là cứ phải phun thuốc diệt muỗi thì mới phòng chống được dịch sốt xuất huyết. Về vấn đề này đã được Sở Y tế Thành phố Hà Nội trao đổi với TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội.

1. Phun hóa chất có phải là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống sốt xuất huyết?

Trong công tác phòng chống dịch thì công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức diệt bọ gậy, bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình mình luôn được đề cao, nếu ai cũng có ý thức trong phòng chống dịch thì cộng đồng được an toàn. Chúng ta cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân hiểu bản chất của phòng chống dịch. Đó là việc diệt bọ gậy, giữ vệ sinh mới là giải pháp căn cơ.

Việc thuốc phun chỉ diệt được muỗi vằn trưởng thành nhiễm vi rút truyền bệnh sốt xuất huyết ngay tại thời điểm đó chứ không có tính lâu dài, mãi mãi. Trong trường hợp ngày hôm trước phun hóa chất, nhưng ngày hôm sau vẫn phát hiện loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thì chứng tỏ ở đó có ổ bọ gậy và chúng đã nở ra thành muỗi. 

Để huy động tổng lực cho công tác phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, từ ngày 12-20/8/2018, ngành y tế đã sử dụng cả máy phun công suất lớn đặt trên ô tô, máy phun mù nóng, máy phun đeo vai cùng với sự tham gia của lực lượng thanh niên, quân đội, dân phòng và công an để dập dịch sốt xuất huyết.

Song biện pháp bền vững, triệt để và lâu dài nhất là phải diệt bọ gậy thường xuyên, liên tục trong tuần ở trong gia đình, các công trường xây dựng, bãi đất trống, cơ quan trường học…Việc phun thuốc diệt muỗi cần được lặp lại sau một thời gian nhất định và phải được phun toàn bộ các hộ dân trong một địa bàn.

2. Thuốc diệt muỗi có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như thế nào?

TS Nguyễn Nhật Cảm: Thuốc phun diệt muỗi hiện nay được Bộ Y tế sử dụng là nhóm Pyrethrine đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm, cấp phép lưu hành, khẳng định không gây hại cho sức khỏe con người.

Phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết là phun không gian ở thể tích cực nhỏ với lượng hóa chất cực nhỏ dưới dạng phun sương nhưng có hiệu quả tối đa. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian nên việc lo ngại thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe là lo lắng không có cơ sở.

Sau khi phun, người dân chỉ cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút là vào nhà an toàn. Với một số người có bệnh đường hô hấp hoặc trẻ nhỏ có dễ bị kích ứng (có thể bị ho) thì nên tránh ra ngoài lâu hơn từ 2 tới 3 tiếng đồng hồ sau đó vào nhà.

3. Làm thế nào để phun hóa chất diệt muỗi sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao nhất?

TS Nguyễn Nhật Cảm: Để việc phun hóa chất diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết hiệu quả thì chính quyền địa phương và người dân cần tuân thủ đúng quy trình trước, trong và sau phun thuốc.

Trước khi phun hóa chất diệt muỗi cần nghiên cứu và lập bản đồ khu vực phun cẩn thận. Thông báo rộng rãi về lịch phun, hướng dẫn các hộ gia đình tiến hành dọn dẹp, che đậy bảo vệ thực phẩm, lương thực, chậu cá cảnh, vật nuôi; bố trí người ở nhà để mở cửa trong thời gian phun hóa chất. Chú ý những nơi nuôi tằm, nuôi ong lấy mật, khi phun không để hóa chất bay vào các khu vực trên. Các hộ gia đình cần mở tất cả các cửa ra vào, kể cả cửa sổ.

Trong khi phun hóa chất người dân cần tránh xa cửa sổ và cửa ra vào hoặc tạm rời khỏi nhà và khu vực phun thuốc cho đến khi phun xong.

Thời gian phun tốt nhất vào buổi sáng sớm (6-9 giờ) hoặc chiều tối (17 - 20 giờ). Nhiệt độ môi trường phù hợp nhất để phun từ 18 độ C đến 25 độ C, hạn chế phun khi nhiệt độ trên 27 độ C. Chỉ phun khi tốc độ gió từ 3-13km/giờ (gió nhẹ), không phun khi trời mưa hoặc gió lớn.

Sau khi phun hóa chất thì người trực tiếp phun hóa chất phải súc rửa bình đựng thuốc, vệ sinh máy bằng nước sạch, không được đổ nước rửa máy xuống nguồn nước (ao hồ, sông ngòi, kênh rạch). Người đi phun xong phải vệ sinh cá nhân, tắm rửa bằng xà phòng để loại trừ hóa chất bám dính trên quần áo, cơ thể.

4. Khuyến cáo khi tham gia phun hóa chất diệt muỗi

TS Nguyễn Nhật Cảm: Như tôi đã nói ở trên, hóa chất diệt muỗi sốt xuất huyết được Bộ Y tế khẳng định là an toàn đối với sức khỏe con người song để đảm bảo an toàn, người dân vẫn cần phải tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế khi phun tại cộng đồng.

Với các lực lượng tham gia phun hóa chất thì khi pha hóa chất phun, tuyệt đối không cho người dân sử dụng vào việc riêng. Đeo khẩu trang, găng tay khi pha chế hóa chất; không để hóa chất dính vào da, mắt; không ăn uống và hút thuốc khi phun hóa chất; không đổ hóa chất thừa làm ô nhiễm nguồn nước, ao hồ.

Khi người dân có biểu hiện ngứa, nóng rát vùng mặt hay vùng da hở thì phải tắm rửa bằng xà phòng. Các loại thực phẩm do che đậy không cẩn thận trong quá trình phun có hóa chất bay vào nếu khi ăn có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, đau bụng cần đến cơ sở y tế khám và xử lý kịp thời.

http://soyte.hanoi.gov.vn/vi/news/phong-chong-dich-benh-106/nhung-luu-y-khi-phun-hoa-chat-diet-muoi-phong-benh-sot-xuat-huyet-2187.html


Tác giả: MN