Những lưu ý khi làm thịt lợn ngày Tết an toàn cho sức khoẻ, phòng tránh liên cầu lợn

Những lưu ý khi làm thịt lợn ngày Tết an toàn cho sức khoẻ, phòng tránh liên cầu lợn
Thịt lợn là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. Tuy nhiên, khi làm thịt lợn mọi người nên đảm bảo quy trình sơ chế và chế biến để an toàn cho sức khoẻ.

Một trong những bệnh nguy hiểm liên quan đến thịt lợn là nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đây là bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus suis (S. suis) gây ra, bệnh có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

1. Những bệnh có thể lây nhiễm từ lợn sang người

Thịt lợn không phải là mối lo ngại đối với sức khoẻ khi lợn không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu lợn bị nhiễm liên cầu hoặc các bệnh nguy hiểm thì khi ăn loại thịt này, chúng ta có thể bị nhiễm bệnh hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ. 

Một số bệnh phổ biến có thể lây nhiễm từ lợn sang người như liên cầu lợn, giun xoắn. Trong đó, nhiễm liên cầu lợn là bệnh nhiễm trùng khá phổ biến và nguy hiểm, có thể đe doạ tính mạng của người bệnh. Liên cầu lợn có thể lây nhiễm sang người theo một số cách như:

- Tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh: Chúng ta có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với lợn mà có các vết thương hở trên da hoặc niêm mạc.

- Tiêu thụ thực phẩm: Ăn phải thịt lợn nhiễm khuẩn không được nấu chín kỹ có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng, chẳng hạn như ăn tiết canh, thịt lợn tái,...

- Nhiễm khuẩn chéo: Việc sử dụng chung dụng cụ chế biến giữa thịt sống và thực phẩm khác mà không được vệ sinh sạch sẽ có thể dẫn đến nhiễm khuẩn.

- Môi trường ô nhiễm: Người có thể nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm bởi phân lợn hoặc nước ô nhiễm.

Những lưu ý khi làm thịt lợn ngày Tết an toàn cho sức khoẻ, phòng tránh liên cầu lợn - Ảnh 2.

Liên cầu lợn thường lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở hoặc ăn thịt chưa nấu chín (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Liên cầu khuẩn lợn có phải chỉ có trong tiết canh?

Bệnh sán lợn là gì? Triệu chứng nhiễm sán lợn như thế nào?

2. Khi làm thịt lợn ngày Tết nên làm gì để an toàn cho sức khoẻ?

Nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm lây nhiễm từ lợn sang người rất cao nếu trong quá trình chế biến không đảm bảo quy trình sơ chế và chế biến. Dưới đây là một vài lưu ý khi làm thịt lợn để an toàn cho sức khoẻ và phòng tránh liên cầu lợn:

- Đeo găng tay chuyên dụng khi chế biến thực phẩm: Khi chế biến thịt lợn, bạn nên đeo găng tay chuyên dụng để tránh nhiễm vi khuẩn, đặc biệt khi tay bạn có vết thương hở hoặc nhiễm trùng trên da.

- Sau khi chế biến thịt lợn nên rửa tay với xà phòng: Bạn nên rửa tay với xà phòng sau khi chế biến thịt lợn để làm sạch và loại bỏ các loại vi khuẩn gây bệnh. Bạn nên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch ít nhất trong 20 giây sau đó rửa lại bằng nước và lau khô bằng khăn giấy dùng một lần.

Trong quá trình chế biến và tay chưa được rửa sạch, bạn không nên dùng tay để dụi mắt hay tiếp xúc với các vết thương hở.

- Bảo quản thịt lợn đúng cách: Sau khi chế biến xong bạn nên để thịt vào trong hộp kín, bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 độ C hoặc thấp hơn. Để thịt sống riêng với thực phẩm đã nấu chín hoặc các thực phẩm khác để tránh nhiễm khuẩn chéo.

- Thịt lợn nên được nấu chín kỹ: Đảm bảo thịt không còn phần hồng ở giữa, nhiệt độ bên trong thịt lên đến ít nhất 70 độ C để tiêu diệt vi khuẩn. Do vậy, mọi người không nên ăn những món tiềm ẩn nguy cơ như tiết canh hay thịt tái, nem chua,...

- Vứt bỏ thịt nếu thấy thịt lợn có những dấu hiệu bất thường như có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Không để thịt chín tiếp xúc với thịt sống hoặc mặt bàn, dao cắt, thớt đã tiếp xúc với thịt sống mà chưa được làm sạch.

Những lưu ý khi làm thịt lợn ngày Tết an toàn cho sức khoẻ, phòng tránh liên cầu lợn - Ảnh 3.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân khi chế biến thịt lợn như đeo găng tay, rửa sạch tay sau khi chế biến (Ảnh: Internet)

3. Dấu hiệu nhiễm liên cầu lợn ở người là gì?

Nhiễm liên cầu lợn ở người có thể ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày, có những trường hợp còn kéo dài đến 10 ngày. Sau khi phát bệnh, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như:

- Giai đoạn khởi phát:  Đau đầu, sốt, nôn mửa, tiêu chảy, hoa mắt chóng mặt, đau cơ khớp. Các triệu chứng này có thể diễn ra trong 1-2 ngày.

- Giai đoạn toàn phát: xuất hiện hội chứng màng não rõ ràng như co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê. Đặc trưng là rối loạn tiền đình, giảm thính lực 1 bên hoặc 2 bên, run đầu chi, liệt thần kinh sọ.

Triệu chứng khác: suy thận cấp mức độ nhẹ, phát ban ngoài da (kiểu hồng ban lan rộng hoặc ban xuất huyết hoại tử), tắc mạch đầu chi,…

Biến chứng do nhiễm liên cầu lợn là gì?

Nhiễm liên cầu lợn rất nguy hiểm, nếu không phát hiện bệnh và điều trị kọp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

- Viêm cốt tủy, viêm cột sống, viêm đĩa đệm

- Áp xe ngoài màng cứng

- Viêm màng não mủ, viêm khớp

- Chóng mặt và suy giảm thính lực, thậm chí điếc có thể trở thành di chứng của bệnh

Nhìn chung, khi ăn uống và chế biến thịt lợn vào ngày Tết, bạn nên trang bị đầy đủ găng tay, vệ sinh cá nhân tốt, ăn chín và đảm bảo thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.


Tác giả: Vân Anh