Chiều 10/5, Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân L.T.K. (70 tuổi, trú tại xã Châu Nga, Quỳ Châu) vào trung tâm cấp cứu với triệu chứng đau đầu, hoa mắt, buồn nôn, … Bệnh nhân được chẩn đoán tan máu, suy thận, viêm ống thận cấp và cần chuyển cấp cứu.
Qua khai thác tiền sử bệnh được biết bệnh nhân có dùng lá lộc mại để điều trị táo bón.
Lộc mại là vị thuốc dân gian, mặc dù có một số công dụng đối với sức khoẻ nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra tác dụng phụ, nguy hiểm nhất là ngộ độc và đe doạ tính mạng của người sử dụng.
Cây lộc mại có tên khoa học là Mercurialis indica Lour, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Cây lộc mại còn có nhiều tên gọi khác như là lục mại, mọ trắng, rau mại hay rau mọi.
Lộc mại là cây thân gỗ, cây nhỏ cao từ 2-3m, cây lớn có thể cao tới 15m. Lá lộc mại là lá đơn, đa dạng, mọc so le, hình bầu dục hoặc hình mác thuôn dài, gốc tròn đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mép có răng cưa, có hai hạch nhỏ ở chỗ tiếp giáp với phiến lá, lá kèm nhỏ, có lông. Lá non của cây màu hồng đỏ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông đơn tính.
Cụm hoa đực của lộc mại mọc thành bông dài, thõng xuống, hoa có cuống. Còn hoa cái nhỏ li ti mọc đơn độc hay thành từng đôi, bầu hình cầu. Quả ba mảnh vỏ, trên mặt có những gai nhỏ, ngắn.
Đọc thêm:
- Cây tầm bóp có tác dụng gì? Những bài thuốc tốt cho sức khỏe con người
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư lưỡi từ lá đu đủ và cây lược vàng
Về công dụng của lộc mại, chưa có nhiều nghiên cứu nên tác dụng của loại cây này vẫn chưa có gì là chắc chắn. Tuy nhiên, người dân vẫn hái lá về làm thuốc. Mùa hái hầu như quanh năm.
Theo Đông Y, lộc mại có tính bình, vị nhạt, có tác dụng nhuận tràng (liều nhỏ), tẩy (liều lớn), tiêu độc, sát trùng. Rễ cây có vị nhạt, tính bình, có tác dụng khu phong, trừ thấp, tán ứ, giảm đau.
Tại Châu Âu, cây lộc mại được sử dụng làm thuốc tẩy cho phụ nữ có thai và làm cho cạn sữa. Hoặc người ta thường dùng làm thuốc thông tiểu cho những người bị bệnh gút.
Một số bài thuốc từ cây lộc mại được lưu truyền:
- Điều trị táo bón, vàng da: Sử dụng 20g lá tươi, đem rửa thật sạch rồi bỏ nào nồi đun sôi với khoảng 1,2 lít nước, đun cạn lấy khoảng 500ml nước, chia làm 3-4 lần để uống trong ngày.
- Điều trị mọn nhọt, lở ngứa: Dùng khoảng 50g cây khô hoặc 150g tươi, đun với khoảng 5 lít nước, đun lấy 2 lít nước sôi. Để cho nước nguội dần sau đó dùng để tắm.
- Làm thuốc nhuận tẩy thông mật: Sắc uống mỗi ngày 10 – 20g lá khô
Nhưng mọi người cần lưu ý, các bài thuốc trên chỉ mang tính dân gian, chưa được khoa học kiểm chứng nên mọi người cần thận trọng khi áp dụng. Các bài thuốc trên cũng không được khuyến khích bởi y khoa. Tốt nhất mọi người nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông Y nếu muốn sử dụng.
Cây lộc mại có thể gây ngộ độc khi sử dụng dưới dạng tươi và vượt quá liều lượng. Khi bị ngộ độc cây lộc mại, mọi người có những biểu hiện như:
- Người mệt yếu, da xanh xao
- Ăn không tiêu, đầy bụng, đau bụng
- Nhịp tim nhanh
- Đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón
- Đái rắt hoặc đái buốt
- Nước tiểu màu đỏ do một loại sắc tố trong lá cây lộc mại gây ra
Nếu như bị ngộ độc lộc mại, người bệnh có thể được sử dụng thuốc nhuận để tống hết chất độc ra ngoài. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, khi có các dấu hiệu ngộ độc, mọi người nên đến bệnh viện để được điều trị đúng cách và kịp thời, không nên tự ý xử lý theo kinh nghiệm dân gian.
Lộc mại có dược tính có thể hỗ trợ điều trị một số tình trạng sức khoẻ nhưng loại cây này có độc tính dễ gây ngộ độc. Do đó, để đảm bảo toàn, mọi người nên lưu ý một số điều khi sử dụng cây lộc mại:
- Không nên dùng lộc mại tươi và liều lượng quá nhiều. Đối với những trường hợp muốn trị táo bón, mọi người có thể cân bằng lại chế độ ăn uống và lối sống. Nếu tình trạng bệnh nặng, có thể sử dụng thuốc Tây theo lời khuyên của bác sĩ.
- Khi sử dụng cây lộc mại với mục đích điều trị bệnh, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Lộc mại chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị một số tình trạng sức khoẻ, không thể thay thế được các chỉ định của bác sĩ.