Những lưu ý khi điều trị tay chân miệng cha mẹ không nên bỏ qua

Những lưu ý khi điều trị tay chân miệng cha mẹ không nên bỏ qua
Khi được chuẩn đoán mắc tay chân miệng, gia đình cần thường xuyên chú ý tới các biểu hiện bất thường của trẻ để đề phòng biến chứng. Dưới đây là một số lưu ý khi điều trị tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus lây lan qua đường tiêu hoá. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có nguy cơ bùng phát thành dịch vào nhiều thời điểm trong năm, đặc biệt là từ tháng 3 đến tháng 5 hoặc từ tháng 9 đến tháng 11. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh tay chân miệng đang không ngừng gia tăng về số ca mắc mới.

Thông thường, đây là một bệnh nhẹ và bệnh nhân có thể điều trị tay chân miệng tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh lại có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. 

Do đó, cha mẹ cần lưu ý một số điều dưới đây khi điều trị tay chân miệng tại nhà để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Một số lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng:

1. Khi nào nên tiến hành điều trị tay chân miệng tại bệnh viện?

Các chủng virus gây bệnh tay chân miệng thuộc họ Picornaviridae, bao gồm virus Coxsackie A (thường gặp A16), virus Coxsackie, Echovirus, Enterovirus (thường gặp E71, E68). Khi bị nhiễm một trong các loại virus này, bệnh nhân thường có triệu chứng sốt khá tương đồng với các bệnh khác như viêm đường hô hấp, sốt siêu vi, viêm màng não,...

Ảnh 1.

Khi nào nên tiến hành điều trị tay chân miệng tại bệnh viện (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, để nhận biết bệnh, cha mẹ cần lưu ý tới các biểu hiện đặc biệt của bệnh như nổi mụn nước ở miệng, niêm mạc họng, lòng bàn chân, lòng bàn tay, gối, mông,... Các nốt mụn nước hình bầu dục này thường có đường kính nhỏ từ 2-10mm, ít gây cảm giác đau khi xuất hiện trên da. Ngoài ra, bệnh còn gây loét miệng, môi, tăng tiết nước bọt và đau khi nuốt.

Đa số các trường hợp mắc tay chân miệng là do virus A16 gây ra. Ở thể bệnh này, các triệu chứng của bệnh thường nhẹ hơn và việc điều trị tay chân miệng cũng không gặp nhiều khó khăn, bệnh cũng có thể tự khỏi sau khoảng 3-7 ngày.

Tuy nhiên, trẻ cũng có thể gặp phải các biến chứng tim mạch, hô hấp, thần kinh vô cùng nguy hiểm nếu nhiễm loại virus gây bệnh EV71 và không được điều trị tay chân miệng đúng cách.

Để hạn chế các biến chứng này, gia đình cần lưu ý khi điều trị tay chân miệng, không bỏ qua các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh. Cần đưa bệnh nhân nhập viện ngay khi có dấu hiệu sốt cao trên 39 độ quá 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt, nôn ói nhiều, thở yếu hoặc giật mình liên tục, bứt rứt, liệt các chi, hôn mê,...

2. Chế độ dinh dưỡng, vệ sinh khi điều trị tay chân miệng

Không nên quá kiêng khem là điều cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng khi điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ. Những vết loét ở miệng thường khiến trẻ đau đớn, khó nuốt dẫn đến chán ăn, thiếu hụt dinh dưỡng. 

Do đó, nên chế biến các món ăn dạng lỏng, dễ nuốt, phù hợp khẩu vị của trẻ để hạn chế tình trạng bỏ bữa, đồng thời cũng cần bù nước cho trẻ bằng các loại nước trái cây,...

Ảnh 2.

Nên chế biến các món ăn dạng lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu và đủ chất cho trẻ bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, trẻ đang điều trị tay chân miệng cũng không bắt buộc phải kiêng tắm rửa. Điều này không chỉ làm tăng cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho trẻ mà còn có nguy cơ làm nhiễm trùng da tại các vết mụn bị vỡ.

Khi tắm, có thể sử dụng các loại xà phòng, tuy nhiên cần nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương hoặc vỡ các nốt mụn nước trên da. Nếu các nốt mụn này vô tình bị vỡ, cần làm sạch bằng nước muối sinh lí và dung dịch sát khuẩn. Đối với các nốt phát ban đỏ, chúng thường ít gây ngứa và có thể tự biến mất, chỉ còn lại vết thâm và không để lại sẹo.

Ảnh 3.

Khi điều trị tay chân miệng, giữ gìn vệ sinh cá nhân là điều rất quan trọng (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh răng miệng cũng rất quan trọng khi điều trị tay chân miệng. Bên cạnh sử dụng kem đánh răng hằng ngày, có thể dùng thêm nước muối sinh lý để súc miệng.

3. Có thể điều trị tay chân miệng khỏi vĩnh viễn?

Ảnh 4.

Bệnh tay chân miệng có thể tái đi tái lại nhiều lần (Ảnh: Internet)

Bên cạnh hai chủng virus gây bệnh tay chân miệng thường gặp là A16 và EV71, còn tồn tại hơn 10 chủng virus thuộc nhóm Enterovirus có thể gây bệnh. Vì vậy, trẻ có thể có miễn dịch với chủng virus trong lần điều trị tay chân miệng trước đó, nhưng bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần với các mầm bệnh khác.


Tác giả: Thảo Ngân