Những lưu ý khi chẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản cấp ở người lớn

Những lưu ý khi chẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản cấp ở người lớn
Thời tiết chuyển mùa, đặc biệt vào thời điểm giáp Tết, không khí trở nên khô, lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho các virus và vi khuẩn phát triển. Một trong những bệnh lý hô hấp thường hay gặp nhất ở người lớn là viêm phế quản cấp tính. Dưới đây là những lưu ý khi chẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản cấp.

Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm cấp tính của niêm mạc phế quản ở những người chưa từng có tổn thương niêm mạc phế quản trước đó. Bệnh khỏi hoàn toàn và không để lại bất kỳ di chứng nào. Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, virus hoặc cả hai.

1. Chẩn đoán viêm phế quản cấp tính

Chẩn đoán chính xác và nhanh chóng viêm sẽ tạo điều kiện thuận lợi sử dụng đúng phác đồ điều trị viêm phế quản cấp tính, giúp người bệnh mau khỏe mạnh.

1.1. Nguyên nhân

- Viêm phế quản cấp có 50-90% nguyên nhân là do virus. Các loại virus thường gặp: myxovirus, rhinovirus, adenovirus, enterovirus,…

- Vi khuẩn thường gặp: phế cầu, Hemophillus influenza, Mycoplasma và Clamydia,..

1.2. Triệu chứng

Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng viêm long hô hấp trên: sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng,.. Sau đó, virus, vi khuẩn dần lan xuống khí - phế quản gây viêm phế quản cấp tính.

Một vài dấu hiệu dưới đây gợi ý chẩn đoán viêm phế quản:

- Sốt: bệnh nhân có thể sốt nhẹ, hoặc sốt cao

Ảnh 2.

Bệnh nhân viêm phế quản có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao (Ảnh: Internet)

- Ho: thường khởi phát với ho khan, sau đó là ho có đàm.

- Khò khè: một số ít bệnh nhân cảm giác khò khè, khó thở nhẹ.

- Đàm: đàm có thể thay đổi nhiều màu sắc khác nhau: trắng, vàng, xanh, đỏ,..

2. Chẩn đoán phân biệt

Viêm phế quản dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác của đường hô hấp. Vì vậy cần phân biệt và chẩn đoán chính xác giúp sử dụng phác đồ điều trị viêm phế quản cấp được hiệu quả tốt nhất.

- Viêm phổi: viêm phế quản cấp và viêm phổi là 2 bệnh rất dễ nhầm lần nếu không được thăm khám kĩ càng. Hơn thế nữa phác đồ điều trị viêm phế quản và viêm phổi hoàn toàn khác nhau. Triệu chứng viêm phổi thường rầm rộ hơn viêm phế quản: sốt có thể cao hơn, ho nhiều hơn, đau ngực khi ho, khó thở tăng, bệnh nhân phải gắng sức thở hơn, hạn chế vận động, mệt mỏi hơn.

- Hen: hen là bệnh lý dị ứng. Thường xảy ra khi có yếu tố khởi phát: làm việc nặng, thời tiết thay đổi, tiếp xúc với lông chó, mèo, môi trường ô nhiễm,..Bệnh thường gặp với khó thở nhiều, khó thở thì thở ra, ho khan, triệu chứng nặng hơn nửa đêm về sáng. Sau khi phun thuốc giãn phế quản và corticoid, bệnh nhân khỏe ngay và thường hết hẳn triệu chứng.

- Giãn phế quản: gặp nhiều ở bệnh nhân hút thuốc lá, có tiền căn ho khạc đàm tái đi tái lại nhiều lần.

- Dị vật đường thở: bệnh nhân có hội chứng xâm nhập trước đó: đang khỏe mạnh đột ngột ho sặc sục, tím tái, khó thở. Sau đó là những đợt viêm hô hấp tái diễn nhiều lần, có thể kèm ho ra máu. Soi phế quản có thể phát hiện dị vật.

- Lao phổi: ho khạc đàm kéo dài, có thể ho ra máu, kèm sốt nhẹ về chiều, sụt cân.

- Đợt cấp suy tim sung huyết: bệnh nhân có bệnh lý tim mạch trước đó (suy tim, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ), đột ngột ho, khó thở.

3. Phác đồ điều trị viêm phế quản cấp ở người lớn

Theo phác đồ điều trị viêm phế quản cấp tính của Bộ Y tế Việt Nam năm 2012, viêm phế quản cấp tính đơn thuần ở người lớn có thể tự khỏi và không cần điều trị. Điều trị chủ yếu là giảm triệu chứng gây khó chịu ở người bệnh.

3.1. Điều trị triệu chứng

Nguyên tắc điều trị:

- Điều trị không dùng thuốc luôn là ưu tiên hàng đầu trong phác đồ điều trị viêm phế quản hiện nay.

- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, tuyệt đối bỏ thuốc lá.

- Lưu ý giữ ấm hợp lý cho người bệnh. Nên đeo khẩu trang, mặc kín khi ra ngoài, tránh mưa, nắng gắt.

Ảnh 5.

Lưu ý giữ ấm cho người bệnh (Ảnh: Internet)

- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm có nhiều vitamin C (cam, chanh, bưởi,..) và kháng sinh tự nhiên (tỏi, gừng,..).

- Đặc biệt cần bổ sung đầy đủ nước mỗi ngày, uống nước liên tục vừa giúp hạ sốt, vừa giúp bệnh nhân nhanh khỏi bệnh. Uống mỗi ngày từ 2-3 lít nước.

Phương pháp điều trị:

- Hạ sốt: có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt phổ biến: paracetamol. Cần lưu ý không sử dụng thuốc cho người nghi bị ứng với paracetamol, uống thuốc đúng liều, đúng thời gian tránh ngộ độc thuốc.

- Giảm ho: ho nhiều, gây mất ngủ có thể sử dụng các thuốc giảm ho như:

Terpin codein 15-30mg/ 24 giờ,

Dextromethorphan 15-20mg/ 24 giờ ở người lớn,

Nếu ho có đàm, thuốc long đàm như Acetylcystein 200mg, 3 lần mỗi 24 giờ có thể được cân nhắc lựa chọn.

Nếu có co thắt phế quản: sử dụng thuốc giãn phế quản như salbutamol hoặc terbutanyl đường xịt hút, khí dung hoặc đường uống.

Đường khí dung: sử dụng salbutamol 5mg x 2-4 ống mỗi 24 giờ

Đường uống: salbutamol 4mg x 2-4 viên mỗi 24 giờ.

(Tham khảo phác đồ điều trị viêm phế quản cấp Bộ Y tế)

3.2. Chỉ định dùng kháng sinh trong trường hợp nào?

- Phác đồ điều trị viêm phế quản cấp nêu rõ: chỉ sử dụng kháng sinh với các trường hợp bệnh do vi khuẩn gây ra.

- Ho kéo dài hơn 7 ngày không khỏi

- Khạc đàm màu vàng, xanh rõ

- Viêm phế quản cấp ở những bệnh nhân nguy cơ cao dẫn đến viêm phổi: người già, ung thư,..

3.3. Chọn kháng sinh phù hợp theo phác đồ điều trị viêm phế quản

Tùy theo tình hình kháng thuốc tại mỗi địa phương sẽ có phương án chọn lựa thuốc kháng sinh phù hợp. Dưới đây là một vài phối hợp thuốc gợi ý:

Amoxicillin 3g mỗi 24 giờ

Amoxicillin + acid clavulanic; ampicillin + sulbactam: 3g mỗi 24 giờ

Cephalosprin thế hệ 1: cephalexin 2-3g mỗi 24 giờ

Cefuroxim 1,5g mỗi 24 giờ

Kháng sinh nhóm Macrolide: (tránh dùng chung thuốc giãn phế quản nhóm xanthin, nhóm thuốc IMAO).

Erythromycin 1,5g mỗi ngày uống trong 7 ngày

Azithromycin 500mg liều duy nhất mỗi ngày trong 3 ngày.

(Thao khảo Phác đồ điều trị viêm phế quản cấp của Bộ Y tế Việt Nam năm 2012)

Viêm phế quản cấp có thể tự khỏi và không cần điều trị. Chỉ điều trị khi thật sự cần thiết, ví dụ khi bệnh nhân ho, khó thở quá nhiều dẫn đến không ngủ được, bệnh kéo dài nhiều ngày không khỏi, nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn. Khi đó việc sử dụng thuốc điều trị triệu chứng và kháng sinh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị viêm phế quản cấp tính của Bộ Y tế để đạt hiệu quả điều trị tối ưu cũng như để tránh đề kháng kháng sinh.


Tác giả: Hồng Phượng