Những lưu ý khi chăm sóc người bị bệnh viêm họng, tránh lây nhiễm

Những lưu ý khi chăm sóc người bị bệnh viêm họng, tránh lây nhiễm
Nhiều người lầm tưởng rằng, viêm họng là bệnh không lây. Song trên thực tế, nó là bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu ai đó xung quanh bạn đang bị bệnh viêm họng thì cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với họ và rửa tay thường xuyên.

Nếu bị bệnh viêm họng, phần mô ở cổ họng người bệnh sẽ sưng lên và ửng đỏ. Một số người khác có triệu chứng sốt nhẹ, gặp khó khăn trong việc nói chuyện hoặc nuốt thức ăn. Không những thế, sưng hạch bạch huyết, amidan sưng lên và trở nên mẫn cảm cũng là triệu chứng của viêm họng. Chúng sẽ khiến người bệnh cực kỳ mệt mỏi. Nếu bạn tiếp súc hay chăm sóc người bị bệnh viêm họng. Bạn nên chú ý những điều sau:

1. Viêm họng có lây không?

- Viêm họng do dị ứng, độc tố… sẽ không lây lan.

- Viêm họng do vi rút hoặc nhiễm khuẩn có thể truyền từ người này sang người khác qua các đường lây: Tiếp xúc với đờm, nước mũi và nước bọt của người bệnh. Một số mầm bệnh gây viêm họng có thể tồn tại một thời gian dài trên các vật dụng hàng ngày như khăn tắm, bàn chải hoặc quần áo, do đó khi tiếp xúc với các đồ dùng mang mầm bệnh người lành cũng có thể bị lây bệnh.

2. Bệnh viêm họng lây qua đường nào?

- Bệnh viêm họng lây qua tiếp xúc trực tiếp

Đa số những người bị viêm họng là do virut lây qua đường hô hấp. Vì vậy, những người ở chung trong một không gian sinh hoạt như gia đình, lớp học rất dễ bị lây bệnh viêm họng từ một người khác trong cùng một không gian đó. Yếu tố gây bệnh viêm họng hàng đầu là do virut, vi khuẩn, những tác nhân này có thể lây lan qua đường không khí tiếp xúc trực tiếp. Những người có sức đề kháng kém sẽ dễ dàng bị virut, vi khuẩn tấn công gây viêm họng.

Bệnh viêm họng có thể lây trực tiếp qua đường nước bọt, dịch tiết trong mũi của những người đang bị bệnh viêm họng. Trong đó đều có chứa virus hoặc các liên cầu khuẩn gây bệnh nếu bạn để chúng tiếp xúc trực tiếp với cơ thể mình.

- Bệnh viêm họng lây qua tiếp xúc gián tiếp

Dùng chung bát đũa, cốc, chén, các vật dụng ăn uống...với người đang bị bệnh viêm họng khiến bạn mắc bệnh ở tỷ lệ viêm họng cao hơn, bởi virus gây bệnh có thể xâm nhập qua con đường này.

3. Phòng tránh lây nhiễm viêm họng như thế nào?

Hầu hết các trường hợp bị bệnh viêm họng là do nhiễm vi rút hoặc nhiễm vi khuẩn, trong đó hơn 80% là do vi rút gây ra. Do đó, bạn có thể thực hiện các bước sau để ngăn ngừa nhiễm trùng, tránh mắc viêm họng khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh:

• Tránh dùng chung đồ dùng với người bị bệnh.

• Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

• Nếu bạn bị dị ứng, tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng.

• Tránh để tay không sạch chạm vào mắt, mũi và miệng vì vi rút có thể xâm nhập vào cơ thể của bạn theo cách này và làm cho bạn bị bệnh.

• Tránh xa những người bị bệnh viêm họng vì vi rút gây cảm lạnh thông thường có thể lây lan và là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm họng. Nếu phải chăm sóc người bệnh, bạn nên đeo khẩu trang và dùng găng tay y tế.

• Tránh khói bụi và nơi ô nhiễm không khí.

• Thường xuyên uống nước trái cây hoặc nước ấm

• Súc họng với thuốc súc họng có chứa povidone-iodine để ngăn ngừa lây truyền vi sinh vật gây bệnh trong gia đình hoặc cộng đồng ngay khi chớm có các triệu chứng viêm họng đầu tiên. Các nghiên cứu cũng đã cho thấy, hiệu quả sát trùng của povidone-iodine còn đạt được rất sớm, chỉ sau 15 – 30 giây súc họng. Điều này góp phần làm tăng khả năng tự phục hồi của bệnh nhân có khả năng tiêu diệt hầu hết các mầm bệnh chỉ trong 30 giây tiếp xúc.

Viêm họng là căn bệnh rất dễ gặp ở mọi lứa tuổi, nó gây ra các triệu chứng khiến người bệnh mệt mỏi. Vì thế khi chăm sóc người bệnh, bạn nên thực hiện những cách phòng tránh để không bị lây nhiễm bệnh.

Tác giả: Thanh Hoa