Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể chống lại kháng nguyên lạ gây dị ứng xâm nhập ở niêm mạc vùng mũi. Khi bị kháng nguyên lạ tấn công, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống lại, kèm theo đó cũng sản sinh ra các histamin gây ra triệu chứng lâm sàng của bệnh.
Cơ thể của các loài thú cưng như chó mèo thường sản sinh ra các loại dị nguyên - đây là những protein có khả năng gây ra các tình trạng dị ứng. Các dị nguyên này xuất hiện trên lông, da và nước bọt của chó, mèo. Khi chúng gãi hay rũ lông, lông sẽ bám lại trên thảm và các vật dụng trong nhà gây nên viêm mũi dị ứng.
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng do vật nuôi cũng tương tự như triệu chứng của cảm lạnh thông thường như chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa đỏ mắt, ngứa mũi… Chính vì vậy mọi người thường rất dễ nhầm lẫn 2 căn bệnh này với nhau, từ đó không có biện pháp điều trị thích hợp.
Cách tốt nhất để phòng tránh viêm mũi dị ứng đối với những người có cơ địa dị ứng với vật nuôi là không nên nuôi chúng. Tuy nhiên sở thích nuôi thú cưng thì cần lưu ý một vài điểm sau đây để hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc với các dị nguyên này:
- Không nên để chó, mèo sinh hoạt trong nhà, nên cách ly chúng với phòng bếp và phòng ngủ.
- Hạn chế hoặc không nên ôm hôn chó mèo. Sau khi tiếp xúc cần rửa tay bằng nước và xà phòng.
- Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên và vệ sinh sạch sẽ các đồ vật như thảm, ghế sofa... cũng là phương pháp tốt để phòng tránh viêm mũi dị ứng.
- Nên sử dụng các loại máy lọc không khí trong phòng ngủ hoặc phòng khách để loại bỏ các dị nguyên từ thú nuôi. Sử dụng máy hút bụi để dọn sạch lông chó, mèo rơi ra ngoài.
- Nên vệ sinh tắm rửa cho vật nuôi thường xuyên, ít nhất là mỗi tuần một lần.
Tuy không có cơ địa quá mẫn cảm dễ gây dị ứng, nhưng việc phòng tránh viêm mũi dị ứng do vật nuôi vẫn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe, ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra.
Tránh tiếp xúc với dị nguyên
Cách phòng tránh viêm mũi dị ứng tốt nhất là tránh tiếp xúc với các dị nguyên để ngăn các triệu chứng có thể xảy ra, bao gồm:
– Giữ gìn nhà cửa khô ráo sạch sẽ, thoáng khí. Lau dọn và hút bụi thường xuyên để làm sạch lông và vẩy da thú nuôi.
- Giặt giũ ga giường, vỏ gối và phơi nắng để loại bỏ nấm mốc và bụi.
– Giữ ấm cổ, ngực vào mùa lạnh.
- Không nên tắm nước lạnh, tắm muộn vào ban đêm.
– Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá, các chất kích thích, đồ uống có cồn.
– Đeo khẩu trang khi tham gia giao thông hoặc làm việc ở môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi để phòng tránh viêm mũi dị ứng xảy ra.
Tăng cường sức đề kháng của cơ thể
Ngoài việc tránh tiếp xúc với các dị nguyên, tăng cường sức đề kháng của cơ thể cũng là một trong những cách phòng tránh viêm mũi dị ứng do vật nuôi hiệu quả. Mọi người cần tuân thủ những lưu ý như sau:
- Vệ sinh tai mũi họng, răng miệng sạch sẽ, vệ sinh đường mũi với tần suất 1 lần mỗi ngày.
- Tập thể dục thể thao đều đặn.
- Thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng cũng là một phương pháp phòng tránh viêm mũi dị ứng nói riêng và các bệnh về đường hô hấp nói chung.
Ngoài ra, khi gặp các triệu chứng viêm mũi dị ứng cần đi khám và điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm. Không nên lạm dụng thuốc nhỏ, xịt mũi vì có thể gây lệ thuộc hoặc nhờn thuốc. Sử dụng thuốc đúng và đủ theo đơn của bác sỹ để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.