Nghén, là một dấu hiệu rất thường gặp ở phụ nữ mang thai, đây là một biểu hiện sinh lý vì vậy mẹ bầu không nên lo lắng nhiều, nghén chứng tỏ thai nhi đang phát triển khỏe mạnh. Tùy từng người mà mức độ nghén nặng hay nhẹ, thời gian ngắn hay dài. Biểu hiện của nghén có thể là mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, thay đổi vị giác, cảm giác chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói… trường hợp nghén nặng có thể nôn ói rất nhiều, không ăn uống được bất cứ thứ gì có thể làm suy nhược cơ thể, gây mất nước, rối loạn điện giải, một số trường hợp làm tăng áp lực ổ bụng nguy cơ gây sẩy thai…
Táo bón, cũng rất hay gặp do sự thay đổi nội tiết tố, sự chèn ép của thai nhi kết hợp chế độ ăn thiếu chất xơ, uống viên sắt, ít hoạt động thể lực… làm cho các mẹ bầu rất dễ bị táo bón, có khi gây ra trĩ.
Chuột rút, vọp bẻ, thường do thiếu một số vi khoáng như canxi, magie…, do nhu cầu tăng cao khi mang thai.
Đau lưng, do thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến các khớp và dây chằng, do có sự thay đổi trọng tâm cơ thể, hoặc do tư thế sai, không phù hợp, đau vùng lưng thông thường tăng hơn khi thai nhi lớn dần khiến mẹ bầu rất khó chịu.
Tâm trạng lo âu, mẹ bầu phải đương đầu với nhiều khó khăn do những thay đổi trong cơ thể nên dễ mệt mỏi, cộng thêm hàng loạt nỗi lo như làm sao để con phát triển tốt nhất, những dấu hiệu trên có ảnh hưởng đến sức khỏe của con hay không…
Trong suốt thời gian nằm trong bụng mẹ, thai nhi sẽ hấp thụ hết những dưỡng chất mẹ ăn hằng ngày. Vì vậy, mẹ nên chú ý bổ sung chế độ dinh dưỡng cho bản thân để chắc chắn mình đã cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng mà bé cần để phát triển. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ thường gặp những vấn đề về ốm nghén như thèm ăn một món nào đó hay không ăn được gì… Đây là điều hết sức bình thường, tuy nhiên mẹ cần lưu ý không nên ăn một loại thực phẩm quá nhiều và quá thường xuyên.
Mẹ nên cân bằng lượng chất dinh dưỡng hấp thu để bảo đảm rằng bé đủ chất nhưng mẹ cũng không trở nên béo phì. Sự gia tăng trọng lượng một cách thái quá có thể làm ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ và bé. Trung bình, một phụ nữ mang thai thường tăng khoảng từ 10 đến 15 kg trong suốt thai kỳ. Tốt nhất, trong khẩu phần ăn mỗi ngày, mẹ nên bảo đảm có đầy đủ các nhóm thực phẩm. Ăn nhiều rau xanh và trái cây cũng rất tốt cho sức khỏe của mẹ. Mẹ cũng nên lưu ý tránh những loại thực phẩm có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt chú ý cung cấp đầy đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, việc bổ sung vitamin và khoáng chất là một điều không thể thiếu. Nhưng mẹ cũng cần lưu ý bổ sung vừa đủ, tránh chuyện thừa hay thiếu một loại vitamin nào đó. Mẹ có thể trao đổi thêm về chế độ dinh dưỡng của mình với các bác sĩ để được tư vấn bổ sung thêm chất một cách chính xác nhất.
Thông qua quá trình phát triển của em bé trong tử cung có thể xác định sức khỏe của người mẹ. Bằng cách kiểm tra trọng lượng của thai phụ và cả em bé trong quá trình siêu âm, các bác sĩ sản phụ khoa có thể tiên liệu được sức khỏe của mẹ và bé.
Thai nhi phát triển chậm có thể là dấu hiệu của việc thiếu ôxy trong tử cung và có thể khiến các chức năng nhau thai bị gián đoạn.
Khi mang thai, mẹ nên cố gắng tránh xa những căng thẳng ngay cả khi mẹ phải làm việc vì những căng thẳng này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Thay vì dính với những căng thẳng, mệt mỏi này, sao mẹ không chú ý tới những việc hấp dẫn hơn? Thư giãn nhẹ nhàng với những bài tập thể dục hay những bản nhạc dịu êm, "hâm nóng" tình cảm với ông chồng yêu quý hay tham gia các lớp học tiền sản…
Canxi và vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển răng và xương của thai nhi nên việc mẹ uống nhiều sữa trong khi mang thai sẽ giúp bé hấp thụ được lượng canxi và vitamin cần thiết. Nhu cầu canxi của mẹ sẽ thay đổi trong suốt quá trình mang thai. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, lượng canxi cần thiết là 800mg một ngày, 3 tháng giữa thai kỳ là 1200mg và 3 tháng cuối là 450mg canxi một ngày.
Axit folic tham gia vào quá trình sản xuất tế bào máu và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triền của thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Theo nhiều nghiên cứu cho rằng, cung cấp axit folic 3 tháng trước khi mang thai và 3 tháng đầu thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ bị tật ở ống thần kinh và ngăn ngừa tràn dịch não ở thai nhi. Nếu trước khi mang thai, mẹ chưa bổ sung axit folic thì mẹ nên bổ sung ngay lập tức.
Axit folic có thể được bổ sung dưới dạng thuốc viên hoặc thông qua những thực phẩm hằng ngày như rau chân vịt, bông cải, đậu hà lan, gan động vật,…
Khi mang thai, bạn vẫn có thể tập những bài tập nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe và tránh bị tăng cân quá nhiều. Ngoài ra việc tập luyện giúp cho tinh thần mẹ bầu luôn được thoải mái, cơ thể linh hoạt, chuẩn bị tốt nhất cho cơn vượt cạn sắp tới. Một số bài tập mẹ nên tập như yoga, bơi lội, bài tập Kegel hoặc đơn giản nhất là đi bộ.
Tổng hợp