Những loại nước người bị tay chân miệng nên uống là gì?

Những loại nước người bị tay chân miệng nên uống là gì?
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý khoa học sẽ góp phẩn làm bệnh nhanh khỏi và phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu những người bị tay chân miệng nên uống gì qua bài viết dưới đây.

Những người mắc bệnh tay chân miệng có thể hồi phục sau khoảng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể gặp vài biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc các vết loét và quan trọng là có chế độ ăn uống khoa học.

Bị tay chân miệng nên uống gì là câu hỏi của rất nhiều bệnh nhân. Dưới đây là những loại thức uống tốt cho những người bị tay chân miệng có thể tham khảo khi điều trị và chăm sóc bệnh:

1. Người bị tay chân miệng nên uống nước lọc

Một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng chính là biến chứng mất nước. Biến chứng này xảy ra khi người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ uống quá ít chất lỏng do các vết loét ở khoang miệng.

Vì thế, những người bị tay chân miệng nên uống nước lọc để cung cấp đủ nước cho cơ thể, tránh mắc biến chứng mất nước, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Người bệnh cần lưu ý rằng chỉ nên uống nước sôi để nguội hay nước lọc, nước đóng bình sạch, an toàn. Hơn nữa, cũng cần lưu ý khi cơ thể có các dấu hiệu mất nước như khô môi, mắt trũng hoặc lượng nước tiểu giảm đột ngột cần phải đến gặp bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Những người bị tay chân miệng nên uống gì? - Ảnh 1.

Người bị tay chân miệng nên uống nước lọc nhiều để cung cấp đủ nước cho cơ thể - Ảnh Internet.

2. Bị tay chân miệng nên uống nước dừa

Nước dừa là một trong những thức uống rất tốt cho những người bị tay chân miệng. Đây là loại nước uống tự nhiên rất tốt cho sức khỏe nói chung.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt tính kháng virus, kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa có trong nước dừa em lại nhiều lợi ích trong việc phòng và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau, trong đó có biến chứng mất nước của bệnh tay chân miệng.

Hơn nữa, đây là loại thức uống có chứa nhiều kali. Đặc biệt, hàm lượng kali – chất giúp cân bằng điện giải trong nước dừa tươi cao hơn gần gấp đôi lượng kali có trong chuối. Trong khi đó cân bằng điện giải đóng vai trò rất quan trọng trong việc tối ưu hoạt động của hệ cơ, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ và cân bằng chất lỏng bên trong cơ thể.

Với những lợi ích như vậy, nước dừa là sự lựa chọn tuyệt vời để bổ sung nước, cân bằng điện giải cho những bệnh nhân mắc tay chân miệng.

3. Nước ép dưa hấu

Một trong những thức uống tốt cho người bị tay chân miệng tiếp theo chính là nước ép dưa hấu. Các bác sĩ cho biết vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường miễn dịch, hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên ,với những bệnh nhân bị tay chân miệng, việc bổ sung vitamin C qua nước cam, chanh là không nên vì nó gây đau rát khoang miệng khi có những vết phỏng, rộp.

Vì thế, thay vì cam, chanh, những bệnh nhân mắc tay chân miệng nên bổ sung nước ép dưa hấu vào trong khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày của mình. Dưa hấu là loại quả chứa nhiều vitamin C, tốt cho hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể. Hơn nữa, loại quả này còn ngọt, mát, mềm, phù hợp với những người đang bị đau do bệnh tay chân miệng gây ra.

Những người bị tay chân miệng nên uống gì? - Ảnh 2.

Bị tay chân miệng nên uống nước dưa hấu để tăng cường miễn dịch - Ảnh Internet.

4. Hỗn hợp sữa chua, mật ong và nước ép hoa quả

Theo các nghiên cứu, mật ong là một loại thực phẩm vô cùng có lợi cho sức đề kháng. Trong mật ong có chứa kháng sinh tự nhiên, có thể giúp những vết phỏng rộp, lở loét trên tay, chân, mông, và miệng được chữa lành nhanh chóng.

Hơn nữa, sữa chua không đường lại là nguồn lợi khuẩn dồi dào, hỗ trợ sức đề kháng đánh bại được virus. Trong sữa chua còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, canxi, folate, kali, và các loại vitamin thiết yếu.

Vì thế, đây là những thực phẩm rất tốt cho những người bị tay chân miệng. Người bệnh có thể kết hợp sữa chua, mật ong, với một số loại nước ép hoa quả khác như mít, dâu, hay đu đủ để có thể vừa có thức uống ngon miệng vừa hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh.


Tác giả: Ngọc Điệp